Quốc hội quyết chi ngân sách Trung ương 2019 hơn 1 triệu tỷ đồng

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách 2019 với 438/449 đại biểu có mặt tán thành (90,31% tổng số đại biểu).
Quốc hội quyết chi ngân sách Trung ương 2019 hơn 1 triệu tỷ đồng

Với hơn 90% đại biểu tham gia tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019. Theo đó, tổng số thu ngân sách Trung ương là 810.099 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 601.201 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách Trung ương là 1.019.599 tỷ đồng, trong đó dự toán 321.354 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Quốc hội giao Chính phủ phân bổ vốn cho các chương trình, dự án có hiệu quả, có kế hoạch cắt giảm vốn đối với dự án triển khai chậm, bổ sung vốn cho dự án có khối lượng hoàn thành cao, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật, bảo đảm không dư thừa nguồn vốn. Tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang.

Trong giai đoạn 2018-2020, thực hiện phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô theo tỷ lệ tương ứng là 65% và 35% để chi cho quản lý, bảo trì đường bộ.

Quốc hội cũng giao Chính phủ điều hành kinh phí chi trả phí phát hành trái phiếu Chính phủ trong phạm vi dự toán chi trả nợ lãi của ngân sách trung ương năm 2019 được Quốc hội quyết định.

Khoản chi thường xuyên năm 2019 gần 455.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng chi ngân sách Trung ương năm sau.

Quá trình góp ý kiến, có đại biểu Quốc hội cho rằng phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019 còn "bình quân, dàn đều", cần tập trung quan tâm với các địa phương khó khăn, thu ngân sách thấp hoặc các dự án đầu tư trọng điểm có sự lan toả...

Giải trình trước Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, phân bổ ngân sách được thực hiện theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, trong đó phân bổ chi thường xuyên cho các địa phương đã có ưu tiên cho vùng núi, vùng đồng bằng sông Cửu Long, các dự án trọng điểm...

Cụ thể, vùng đồng bằng sông Cửu Long được phân bổ kinh phí đối với diện tích trồng lúa tương ứng là 889 tỷ đồng, chiếm 70% cả nước; kinh phí bảo vệ và phát triển đất trồng lúa tương ứng là 1.815 tỷ đồng, chiếm 45% cả nước.

Năm 2019, Chính phủ trình Quốc hội tăng thêm 2% số bổ sung cân đối so với năm 2017 cho các địa phương; ngân sách Trung ương cũng phân cấp cho địa phương nguồn thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết. Hiện số thu xổ số kiến thiết vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm 55-60% tổng thu cả nước.

>> Thu ngân sách Nhà nước tăng hơn 15% so cùng kỳ

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...