Tại tời điểm 31/3/2017, tổng tài sản hợp nhất của VPBank đã tăng lên mức gần 230 nghìn tỷ đồng, trong đó huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá tăng mạnh tới 14 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 186 nghìn tỷ đồng.
Dư nợ tín dụng tăng nhẹ, trong đó cho vay khách hàng đạt 152 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm 2016.
Nhờ đó, thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 5.406 tỷ đồng, tăng trưởng 49% so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi trừ đi các chi phí và trích lập dự phòng rủi ro lớn, quý 1/2017, VPBank đạt 1.900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, tăng hơn 85% so với cùng kỳ năm trước và lãi sau thuế đạt 1.520 tỷ đồng.
Năm 2017, VPBank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 280 nghìn tỷ đồng, huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 217 nghìn tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt 182 nghìn tỷ đồng. Nợ xấu kiểm soát dưới mức 3%.
Hội đồng quản trị VPBank lúc đầu dự kiến mục tiêu lợi nhuận năm 2017 ở mức hơn 6.000 tỷ đồng, song tại ĐHCĐ thường niên 10/4 vừa qua, bất ngờ điều chỉnh tăng mục tiêu này lên 6.800 tỷ đồng, tức tăng tới 38,8% so với lợi nhuận của năm 2016 (đạt 4.900 tỷ đồng).
ĐHCĐ cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2017 từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng. Theo đó, sẽ chi cổ tức tối đa là 31,84% bằng cổ phiếu cho hai nhóm cổ đông, gồm nhóm sở hữu cổ phần ưu đãi và nhóm cổ phần phổ thông.
Như vậy, năm 2017, VPbank sẽ có 2 đợt phát hành tăng vốn điều lệ. Đợt 1: phát hành cổ phiếu để trả cổ tức (lợi nhuận được phân phối 3.194 tỷ đồng) và phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (còn 98,84 tỷ đồng).
Vốn điều lệ của VPBank tại thời điểm 31/3/2017 được ghi nhận ở mức 10.765 tỷ đồng. Sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu thì vốn sẽ tăng lên mức hơn 14.000 tỷ đồng./.
>> Vì sao lợi nhuận VPBank “bốc hơi” 131 tỷ đồng sau kiểm toán?