Nguồn vốn mới bổ sung này cần được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, dựa trên các quy định và thông tư liên quan đến Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (Quỹ bảo vệ môi trường) đã được ban hành. Nhưng dự thảo thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải (sau đây gọi tắt là dự thảo Thông tư) vẫn còn đang “tắc” về việc chi nguồn vốn bổ sung này như thế nào.
Theo khẳng định của ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thông tư này chắc chắn phải được ban hành vào tháng 12/2022 nhưng việc vấp phải ý kiến phản đối của 12 hiệp hội ngành nghề khiến thông tư này cần được điều chỉnh kỹ càng, tiếp tục đem ra thảo luận cũng như xin ý kiến đóng góp một cách nhanh chóng trước tháng 12 năm nay.
Đa phần, 12 hiệp hội ngành nghề phản đối dự thảo vì nhiều điểm bất hợp lý, chưa rõ ràng. Thậm chí, trong cuộc hội thảo gần đây tổ chức để góp ý về dự thảo, nhiều đại diện Hiệp hội ngành hàng cho rằng, dự thảo chưa thực sự lắng nghe ý kiến đóng góp của họ. Nhiều nội dung còn "ngược" với các Nghị định và Thông tư hiện hành.
Nguồn vốn mới chi "quá đà" cho Văn phòng EPR Việt Nam?
Trong dự thảo thông này này, quy định rất chi tiết nguồn tiền dành riêng cho Văn phòng EPR Việt Nam. Trong khi Văn phòng EPR Việt Nam là cơ quan giúp việc cho Hội đồng EPR quốc gia và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường trong việc tổ chức quản lý, giám sát và hỗ trợ việc thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu. Hội đồng EPR Quốc gia được quy định tại Điều 88 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP có nhiệm vụ tư vấn, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường quản lý, giám sát, hỗ trợ việc thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu.
Như vậy, Văn phòng EPR Việt Nam là cơ quan tiếp nhận, quản lý, giám sát cũng như là đầu mối tiếp nhận các vấn đề liên quan đến hoạt động tái chế, xử lý chất thải của các đơn vị, tổ chức liên quan đến Quỹ Bảo vệ môi trường.
Vậy nên, Điều 23 của dự thảo thông tư kể trên quá "sa đà" vào các hoạt động nằm ngoài chức năng nhiệm vụ của Văn Phòng EPR Việt Nam? Đơn cử, trong 11 loại chi phí được đề cập tại Điều 23 này, chỉ có 1 loại chi phí dùng vào việc hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải. Còn lại 10 chi phí khác lại chi cho các hoạt động khác như Chi phí xây dựng, quản lý và vận hành cổng thông tin EPR quốc gia; Chi phí tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; Chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương; Chi phí giao dịch, đối ngoại, chi phí hội thảo, hội nghị, lễ lân, khánh tiết theo quy định của pháp luật; Chi công tác phí, chi phụ cấp tàu xe cho cán bộ, nhân viên và người lao động của Văn phòng EPR Việt Nam đi công tác trong và ngoài nước;...
Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư 61/VBHN-BTC về hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, một trong các khoản chi không được hạch toán vào chi phí hoạt động của Quỹ là các khoản chi không liên quan đến hoạt động theo chức năng của Quỹ.
Chức năng của Quỹ bảo vệ môi trường là chức năng cho vay lãi suất ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ lãi suất cho các chương trình, dự án, các hoạt động, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu không nằm trong kế hoạch ngân sách trên phạm vi toàn quốc dựa theo Khoản 2 Điều 2 Quyết định 78/2014/QĐ-TTg). Như vây, hầu hết điều hướng dẫn chi cho Văn phòng EPR Việt Nam đều nằm ngoài chức năng của Quỹ.
Thậm chí, Điều 24 dự thảo quy định văn phòng EPR là đơn vị sự nghiệp công, tự chủ về biên chế và tài chính, lương thưởng như cán bộ trong biên chế là đi ngược lại quy định tại Nghị định 08/2022 của Chính phủ là Văn phòng EPR làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Phụ cấp kiêm nhiệm áp dụng cho công chức được tính bằng 10% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Đây là điều đã được quy định tại mục III Thông tư 78/2005/TT-BNV.
Mơ hồ vai trò của Hội đồng EPR Quốc gia
Tại dự thảo này, liên quan đến phân phối chênh lệch thu chi, Điều 26 nêu rõ, khi chênh lệch thu, chi là dương (sau khi trả tiền phạt do vi phạm pháp luật thuộc trách nhiệm của Văn phòng EPR Việt Nam và bù đắp khoản chênh lệch thu chi âm lũy kế đến năm trước nếu có) được phân phối theo thứ tự như sau: Trích tố thiểu 25% vào Quỹ đầu tư phát triển; Trích Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi theo các tiêu chí lần lượt bằng 03 tháng lương, tiền công và thu nhập khác bình quân thực hiện trong năm nếu hoàn thành kế hoạch hành đông do năm do Hội đồng EPR quốc gia phê duyệt vào đầu năm và bằng 02 tháng lương, tiền công và thu nhập khác bình quân thực hiện trong năm nếu không hoàn thành kế hoạch.
Chiếu theo Điều 26, Văn phòng EPR Việt Nam có trách nhiệm khá lớn và quan trọng, gần như thay thế toàn bộ vai trò của Hội đồng EPR trong việc sử dụng nguồn kinh phí từ đóng góp tài chính của các nhà sản xuất và tái chế. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có quy định cụ thể liên quan đến Văn phòng EPR Việt nam về mô hình, quy mô tổ chức, cơ chế hoạt động...
Theo thông tin đăng tải trên Cổng thông tin của Hội đồng EPR Việt Nam, thiết chế của Hội đồng EPR Quốc gia có sự tham gia của Đại diện các nhà sản xuất, tái chế, xử lý chất thải nhưng Văn phòng EPR Việt Nam thì lại "khuyết" các đơn vị này.
Kinh phí hoạt động của Văn phòng EPR được trích từ đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu nhưng chưa rõ về tỷ lệ nguồn trích để xây dựng mô hình nhân sự, phương án tiền lương và kế hoạch hoạt động hiệu quả.
Trong khi đó, Tổ công tác EPR (là Tổ công tác tư vấn thúc đẩy thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với các sản phẩm, bao bì) lại không được giao nhiệm vụ tương tự.
Theo quyết định thành lập số 1612/QĐ-BTNMT ngày 01/06/2020, Tổ công tác EPR bao gồm Tổ trưởng và Thư ký Tổ công tác (là cán bộ kiêm nhiệm thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) cùng các thành viên gồm một số nhà sản xuất, nhà tái chế, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức xã hội môi trường và cơ quan Nhà nước có liên quan. Nếu được hướng dẫn giao nhiệm vụ tương tự Văn phòng EPR Việt Nam cùng vai trò giám sát nguồn chi hàng năm, tổ chức nghề nghiệp này sẽ hỗ trợ tích cực và phù hợp hơn?