Thực thi cam kết bảo vệ môi trường trong các FTA và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

Các cam kết về môi trường hay phát triển bền vững trong các FTA đặt ra rất nhiều thách thức đối với Việt Nam trong quá trình thực thi. Để giải quyết, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật...
Thực thi cam kết bảo vệ môi trường trong các FTA và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

Những nội dung đáng lưu ý về cam kết bảo vệ môi trường

Nội dung môi trường hay phát triển bền vững đề cập trong các FTA được xây dựng dựa trên mối quan tâm, lợi ích cũng như điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội của quốc gia tham gia đàm phán và ký kết.

Trong một số FTA, mục tiêu của các quy định môi trường hay phát triển bền vững nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể về thương mại, có liên quan đến môi trường của các nước thành viên. Ở một số FTA khác, nội dung về môi trường và phát triển bền vững có yêu cầu và tiêu chuẩn cao hơn thể hiện qua mức độ cam kết và các nghĩa vụ, thậm chí còn sử dụng công cụ kinh tế như áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp có trừng phạt, hoặc bồi thường về thương mại nếu xảy ra tranh chấp thương mại có liên quan đến môi trường.

Về mức độ cam kết, các nội dung về môi trường hay phát triển bền vững được đưa vào các FTA ở mức độ cam kết hay ràng buộc khác nhau. Mức độ cam kết hay ràng buộc về môi trường trong các FTA tùy thuộc vào sự quan tâm của nhóm (đôi khi là một nhóm nhỏ hoặc chỉ một nước) nước thành viên của hiệp định. Một số nội dung có mức độ cam kết hay ràng buộc cao hơn các nội dung khác.

Hai Hiệp định điển hình có mức độ ràng buộc cao là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EVFTA.

Đối với CPTPP, các nội dung/chủ đề liên quan đến “môi trường” được đưa vào thành những cam kết cụ thể bao gồm: Hiệp định đa phương về môi trường (MEAs), đa dạng sinh học và sinh vật ngoại lai, bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã, biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ô-zôn, bảo vệ (ngăn ngừa ô nhiễm) môi trường biển từ tàu biển, đánh bắt hải sản, hàng hóa và dịch vụ môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và cơ chế tự nguyện BVMT.

Trong EVFTA, các nội dung/chủ đề liên quan đến “phát triển bền vững” được đưa vào thành những cam kết cụ thể bao gồm: MEAs, đa dạng sinh học, bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã, biến đổi khí hậu, lâm nghiệp và các sản phẩm lâm nghiệp, tài nguyên biển và sản phẩm nuôi trồng thủy sản, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và nhãn sinh thái. Đối với hai FTA này, các nội dung về bảo tồn, thủy sản và lâm nghiệp có sự quan tâm nhiều hơn và kèm theo đó là mức độ cam kết, ràng buộc cao hơn.

Ngoài ra, các FTA thế hệ mới cũng yêu cầu, đòi hỏi cao hơn so với các FTA truyền thống về sự minh bạch trong việc tuân thủ và thực hiện. Do vậy, tương tự như các nội dung nêu trên, mức độ cam kết, ràng buộc của các nghĩa vụ này khá cao so với các FTA truyền thống. Bên cạnh các nội dung có mức độ cam kết, ràng buộc cao, những nội dung khác còn lại đều có mức độ cam kết, ràng buộc ở mức trung bình hoặc thấp, một số ít chỉ mang tính chất khuyến nghị hoặc khuyến khích việc hợp tác giữa các bên. Những nội dung này bao gồm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, hàng hóa và dịch vụ môi trường.

Trong các FTA thế hệ mới có nội dung môi trường hay phát triển bền vững gần đây như CPTPP, EVFTA hay Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh hải quan Belarus, Kazakhstan và Nga (VCUFTA) đều sử dụng cơ chế tham vấn, riêng CPTPP có sử dụng thêm cơ chế giải quyết tranh chấp (có áp dụng biện pháp trừng phạt thương mại). Với VCUFTA, quy trình thủ tục giải quyết vấn đề phát sinh sử dụng cơ chế tham vấn được thiết lập đơn giản hơn so với CPTPP và EVFTA với mục tiêu tìm ra các giải pháp hợp tác và đồng thuận để giải quyết vấn đề phát sinh.

Thực hiện Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) đối với môi trường thì tiêu chuẩn ISO 26000 được coi là bộ tiêu chuẩn toàn diện nhất về CSR. Tuy vậy, chính Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế cũng không đặt ra việc cấp giấy chứng nhận đối với ISO 26000.

Việc thiết lập hệ thống quản lý theo hướng dẫn của ISO 26000, tuy vậy, là một tiêu chí quan trọng cho việc dán nhãn CSR đối với doanh nghiệp. Bên cạnh hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng ISO 26000, các nước đều có hướng dẫn doanh nghiệp triển khai áp dụng các bộ tiêu chuẩn có liên quan đến CSR, như bộ tiêu chuẩn về môi trường ISO 14000.

Tính đến thời điểm hiện tại, có không nhiều doanh nghiệp Việt Nam cam kết thực hiện, hay còn nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu về môi trường theo quy định của pháp luật.

Những vấn đề đặt ra với Việt Nam

Bảo vệ môi trường là một trong những yêu cầu và cam kết của các hiệp định thương mại FTA
Bảo vệ môi trường là một trong những yêu cầu và cam kết của các hiệp định thương mại FTA

Đề cập đến những thách thức đối với Việt Nam khi thực hiện các cam kết về môi trường trong các FTA, Thạc sỹ Phùng Thị Yến, Giảng viên khoa Luật, trường Đại học Ngoại thương nêu quan điểm: Việc tham gia, ký kết các FTA thế hệ mới trong thời gian vừa qua hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế cũng như thách thức cho Việt Nam trong thời gian tới. Đối với các FTA như CPTPP và EVFTA, trong điều kiện hiện nay, các nghĩa vụ về môi trường mà Việt Nam cam kết đã nảy sinh một số vấn đề cần phải chuẩn bị và giải quyết trước khi các Hiệp định này có hiệu lực. Đây cũng là những vấn đề có tính rủi ro cao, dễ dẫn đến phát sinh tranh chấp thương mại trong quá trình thực thi.

Việc thực thi các nghĩa vụ đã cam kết trong các thỏa thuận quốc tế và pháp luật quy định trong nước về môi trường không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, trong khuôn khổ các FTA, các nghĩa vụ này trở thành rào cản lớn đối với các ràng buộc và điều chỉnh về thương mại.

Cũng theo Thạc sỹ Yến, cho đến nay, Việt Nam chưa có, thậm chí không có kinh nghiệm trong vấn đề này. Đặc biệt là một quốc gia đang phát triển, với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nguồn lực dành cho hoạt động bảo vệ môi trường còn hạn chế, việc thực thi một cách nghiêm túc các nghĩa vụ liên quan đến môi trường cam kết trong các FTA đặt ra những thách thức và khó khăn không nhỏ cho Việt Nam.

Hệ thống chính sách và pháp luật về môi trường của Việt Nam vẫn đang trong quá trình tiếp tục được hoàn thiện. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách, pháp luật về môi trường được ban hành, song khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực môi trường còn chưa đầy đủ và thậm chí còn chồng chéo trong một số lĩnh vực cụ thể, gây khó khăn cho việc thực thi các cam kết quốc tế.

Hơn thế, việc thực thi pháp luật về môi trường chưa thực sự hiệu quả. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường của các cán bộ quản lý, doanh nghiệp và người dân còn chưa cao; kinh tế còn nhiều khó khăn; năng lực của đội ngũ cán bộ trong việc xử lý các vấn đề thương mại quốc tế có liên quan đến môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu; nguồn lực về tài chính dành cho hoạt động bảo vệ môi trường còn hạn chế.

Có thể thấy, khó khăn về tài chính sẽ dẫn đến việc không có sự đầu tư thỏa đáng cho các công nghệ hiện đại và các đầu tư khác cho hoạt động bảo vệ môi trường. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong việc đáp ứng, tuân thủ các nghĩa vụ và tiêu chuẩn đã cam kết trong các FTA, đặc biệt là trong CPTPP.

Trong bối cảnh việc xóa bỏ dần các rào cản thương mại và nhập khẩu hàng hóa, vật tư, công nghệ trong điều kiện quy định tiêu chuẩn về môi trường còn thấp và năng lực kiểm soát tuân thủ còn chưa chặt chẽ, sẽ dẫn đến nguy cơ Việt Nam trở thành bãi chứa các thiết bị, dây chuyền lạc hậu, là nơi tiêu thụ các loại hàng hóa kém chất lượng.

Các hiệp định FTA nói chung và CPTPP nói riêng sẽ thúc đẩy tăng trưởng đối với một số ngành công nghiệp như dệt nhuộm, da dày, thủy sản, chế biến gỗ, sản xuất linh kiện điện tử, tuy nhiên những ngành này có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã áp dụng các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư FDI, dẫn đến việc xem nhẹ các vấn đề liên quan đến môi trường.

Theo bà Yến, để giải quyết các vấn đề đó, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật. Việt Nam cũng cần tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường, đội ngũ cán bộ tham gia giải quyết các vấn đề tranh chấp quốc tế về thương mại liên quan đến môi trường; tăng cường kinh nghiệm trong giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế liên quan đến môi trường; và tham gia hoạt động hợp tác khu vực, quốc tế về bảo tồn và các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý.

Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức và ý thức BVMT của các cấp quản lý, cộng đồng và doanh nghiệp, tránh những rủi ro liên quan đến tranh chấp thương mại về môi trường, bà Yến nói.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...