Ngày 17/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPBank – mã chứng khoán: LPB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.
Báo cáo tại đại hội, đại diện LPBank cho biết, năm 2023, ngân hàng đã hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu kinh doanh đề ra. Trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt 7.039 tỷ đồng, vượt 17% kế hoạch; tổng tài sản đạt 382.863 tỷ đồng, vượt kế hoạch 2%.
Sang năm 2024, ngân hàng xác định sẽ tập trung chuyển đổi mô hình, chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ. Quan trọng hơn cả, LPBank cũng đặt mục tiêu kinh doanh với mức tăng trưởng mạnh mẽ.
Cụ thể, LPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10.500 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2023. Tổng tài sản dự kiến đạt 427.260 tỷ đồng, tăng 11,6%. Tín dụng thị trường 1 dự kiến tăng 15,8% (kế hoạch tăng trưởng tín dụng thực tế có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào giới hạn tăng trưởng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước). Huy động vốn thị trường 1 dự kiến đạt 317.380 tỷ đồng, tăng thêm hơn 32.000 tỷ so với năm trước, tương đương tăng trưởng khoảng 11,2%.
Thực tế cho thấy, kế hoạch của LPBank là có cơ sở. Bởi lẽ, trước thềm Đại hội cổ đông thường niên năm 2024, ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý 1 rất tích cực với mức lãi trước thuế khoảng 2.886 tỷ đồng, tương đương hoàn thành 27,4% kế hoạch đề ra.
Ông Hồ Nam Tiến, Tổng giám đốc LPBank thông tin thêm, để duy trì tốc độ tăng trưởng ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung vào 4 nhóm hoạt động chính: tập trung tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm theo định hướng của ngân hàng nhà nước; kiểm soát chặt chẽ rủi ro, phấn đấu tỷ lệ nợ xấu dưới 0,9%; tăng tiền gửi không kỳ hạn; gia tăng thu từ các mảng phi tín dụng.
Cũng liên quan đến kế hoạch trong năm 2024, ngân hàng dự kiến chào bán thêm tối đa 800 triệu cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên hơn 33.576 tỷ đồng.
Theo ông Bùi Thái Hà, Phó Chủ tịch LPBank, hiện tại, sau khi thực hiện các nghĩa vụ thuế và trích lập các quỹ, ngân hàng có 4.236 tỷ đồng lợi nhuận để lại. Tuy nhiên, ngân hàng tăng vốn điều lệ theo phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu chứ không qua chia cổ tức là do đã xác định không chia cổ tức trong vòng 3 năm tới.
“Việc không chia cổ phiếu nhằm từng bước xây dựng nền tảng và tăng cường năng lực tài chính thông qua việc sử dụng lợi nhuận để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh, đầu tư vào các dự án trọng điểm”, ông Hà nhấn mạnh.
Một tờ trình khác được LPBank xin ý kiến đại hội là việc đổi tên thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Lộc Phát Việt Nam. Tên tiếng Anh: Loc Phat Vietnam Joint Stock Commercial Bank. Như vậy, tên viết tắt bằng tiếng Anh: LPBank (eo-pi-bank) vẫn được giữ nguyên, không thay đổi.
Lãnh đạo LPBank cho hay: “Việc đổi tên ngân hàng đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong giai đoạn hiện nay nhằm hiện thực hóa chiến lược thay đổi mạnh mẽ, hiệu quả toàn diện, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và mang lại thịnh vượng cho cộng đồng. Ngoài ra, tên gọi “Ngân hàng Lộc Phát” trong quan niệm của người Á Đông cũng mang ý nghĩa tạo dựng sự phát triển, tài lộc, may mắn, phồn vinh và thịnh vượng. Trong triết lý kinh doanh, LPBank luôn chú trọng mang lại lợi ích cho đối tác, khách hàng, cổ đông, cán bộ nhân viên và cộng đồng”.
Thông tin thêm tới cổ đông tại phiên họp, ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT cho biết, định hướng chiến lược kinh doanh của LPBank trong các năm tới bao gồm: (i) Phát triển khách hàng bán lẻ, đặc biệt tại khu vực nông thôn; (ii) Đẩy mạnh chuyển đổi số, số hóa hoạt động ngân hàng; (iii) Tăng tỷ trọng thu phí dịch vụ; (iv) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động; (v)Nâng cao năng lực quản trị rủi ro; (vi) Đem lại lợi ích tốt nhất cho cổ đông và khách hàng.
Sau khi nghe và được lãnh đạo LPBank giải đáp, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của ngân hàng đều thông qua các tờ trình với tỷ lệ đồng ý cao.
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu