LPBank: Ước lãi quý 1/2024 đạt 2.886 tỷ đồng, muốn đổi tên thành Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam

Trong quý 1/2024, lợi nhuận trước thuế của LPBank ghi nhận đạt 2.886 tỷ đồng, tăng hơn 84% so với cùng kỳ, thực hiện 27,49% kế hoạch năm. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới, LPBank dự kiến trình cổ đông phương án đổi tên thành “Ngân hàng Thương mại Cổ phần Lộc Phát Việt Nam”...

LPBank: Ước lãi quý 1/2024 đạt 2.886 tỷ đồng, muốn đổi tên thành Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPBank – mã chứng khoán: LPB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 2.886 tỷ đồng, tăng hơn 84% so với cùng kỳ, thực hiện 27,49% kế hoạch năm.

Sau khi khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này còn 2.299 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ROEA tại thời điểm cuối quý là 26,07%.

Trong tổng thu thuần từ các hoạt động kinh doanh, lãi thuần từ dịch vụ chiếm 18,29%, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, mảng kinh doanh ngoại hối chiếm tỷ trọng 3,31%. Tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập thuần) cuối quý 1 của ngân hàng LPBank cũng đạt 30,74%, giảm 6,13% so với cuối năm trước và giảm tới 12,16% so với cùng kỳ năm trước.

anh-chup-man-hinh-2024-04-16-luc-100904-2622.png

Theo lý giải từ phía LPBank, có được kết quả này là nhờ ngân hàng đã đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm. Bên cạnh đó, LPBank cũng chú trọng thúc đẩy bán chéo các sản phẩm dịch vụ, đặc biệt phải kể đến sản phẩm kinh doanh ngoại tệ, kiều hối, xuất nhập khẩu …

Tính đến hết ngày 31/3/2024, dư nợ tín dụng của LPBank đạt mức 307.708 tỷ đồng, tăng 11,71% so với cuối năm 2023. Tăng trưởng huy động đạt 6,72%, ở mức 304.531 tỷ đồng.

Ngày 17/4 tới đây, ngân hàng LPBank sẽ tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 tại Ninh Bình. Theo tài liệu, ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 9.500 tỷ đồng, tăng gần 35% so với thực hiện năm 2023. Tổng tài sản dự kiến tăng lên mức 427.260 tỷ đồng, cao hơn 11,6% so với năm ngoái. Huy động thị trường 1 được kỳ vọng ở mức 317.380 tỷ đồng, tăng 11,2%, trong khi tín dụng thị trường 1 dự kiến tăng 15,9%, lên 319.140 tỷ đồng.

Tại đại hội, LPBank dự kiến trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ thêm tối đa 8.000 tỷ đồng thông qua việc chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sau khi được Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Mới đây, Hội đồng quản trị LPBank đã cập nhật tài liệu đại hội đồng cổ đông về phương án trình đổi tên ngân hàng. Theo đó, ngân hàng cho biết cho biết từ năm 2011 đến nay đã sử dụng tên “Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt”. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, phát triển toàn diện, ngân hàng cần tên gọi mới để phù hợp với tình hình.

Phương án ban đầu được Hội đồng quản trị đưa ra là đổi tên ngân hàng thành: “Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Việt Nam”, tên tiếng Anh là “Vietnam Post Commercial Joint Stock Bank”, tên giao dịch thành “Ngân hàng Bưu điện Việt Nam”.

Tuy nhiên, sau đó ít lâu, LPBank đã bổ sung thêm phương án đổi tên thành “Ngân hàng Thương mại Cổ phần Lộc Phát Việt Nam”.

Và tới thời điểm hiện tại chỉ còn lại phương án duy nhất là đổi tên thành “Ngân hàng Thương mại Cổ phần Lộc Phát Việt Nam”. Tên viết tắt của ngân hàng vẫn giữ nguyên là LPBank.

Phía ngân hàng cho biết: "Việc thay đổi tên gọi nhằm đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong giai đoạn hiện nay, thể hiện định hướng phát triển mới, nâng tầm vị thế và hình ảnh của ngân hàng".

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 16/4, thị giá cổ phiếu LPB đã tăng trở lại sau phiên giảm điểm mạnh trước đó, hiện dao động ở mức 19.250 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hóa của ngân hàng này trên thị trường rơi vào khoảng gần 50.000 tỷ đồng.

anh-chup-man-hinh-2024-04-16-luc-104554-4408.png
Diễn biến cổ phiếu LPB trong thời gian qua

Trong năm nay, Chứng khoán Agriseco dự báo LPBank có nhiều triển vọng cho tăng trưởng lợi nhuận. Điều này bắt nguồn từ các động lực chính như ngân hàng sẽ ghi nhận khoản phí trả trước trên 2.000 tỷ đồng trong 1-2 năm khi ký kết thành công hợp đồng hợp tác độc quyền bảo hiểm với Dai-ichi Life, từ đó gia tăng thu nhập từ HDDV.

Ngoài ra, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2024 duy trì ở mức cao (ước tính trên 15%) được hỗ trợ bởi ngành xây dựng tiếp tục hưởng lợi từ chính sách đẩy mạnh đầu tư công, ngành sản xuất phục hồi nhờ các đơn hàng tăng trở lại ở các thị trường xuất khẩu lớn và nhu cầu vay tiêu dùng cá nhân tăng vào cuối năm 2024.

Bên cạnh đó, lãi suất huy động giảm thấp trong năm 2023 thường có độ trễ từ 3-6 tháng giúp cải thiện tỷ lệ NIM năm 2024, dao động ở mức 3,3-3,5%.

Theo Chứng khoán Agriseco, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận đề nghị của LPBank về việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost).

Theo đó, VNPost dự kiến sẽ thoái 8,13% cổ phần tại LPB với mức giá khởi điểm 22.908 đồng/cổ phiếu (cao hơn 17% so với giá hiện tại). Giá trị của đợt thoái vốn này (tạm tính theo giá khởi điểm) là hơn 3.200 tỷ đồng. Điều này sẽ giúp cổ phiếu LPB diễn biến tích cực trong ngắn hạn khi các thông tin cụ thể được công bố.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...