Rúng động với các vụ án trục lợi tiền bảo hiểm

Để nhận được số tiền bồi thường lớn, có những người sẵn sàng sát hại người thân, thậm chí tự hủy hoại cả thân thể mình nhằm trục lợi bảo hiểm…

img-3971-01.jpg

Trục lợi bảo hiểm (Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 ghi nhận tội danh này là gian lận trong kinh doanh bảo hiểm), là những hành vi có chủ ý nhằm thu lợi bất chính từ việc tham gia bảo hiểm. Các bên tham gia bảo hiểm thường đã có chủ ý thực hiện hành vi gian dối ngay từ khi tham gia bảo hiểm hoặc phát sinh sau khi đã xảy ra rủi ro cho đối tượng bảo hiểm nhằm chiếm đoạt một số tiền từ doanh nghiệp bảo hiểm mà đáng lý ra họ không được hưởng.

Trục lợi bảo hiểm không phải là vấn đề mới trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ – nó đã âm ỉ tồn tại suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng này có chiều hướng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ tinh vi trong thủ đoạn.

Những hành vi gian lận ngày càng khéo léo và khó phát hiện đã gây thiệt hại đáng kể cho các doanh nghiệp bảo hiểm, đồng thời làm tổn hại đến quyền lợi chính đáng của những khách hàng chân chính, đóng phí đầy đủ và mong muốn được bảo vệ đúng nghĩa.

SÁT HẠI NGƯỜI THÂN, TỰ HỦY HOẠI THÂN THỂ ĐỂ NHẬN BỒI THƯỜNG BẢO HIỂM

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã tiến hành xác minh, giải quyết vụ việc chết người xảy ra đầu năm 2023 và làm rõ đối tượng giết người là Tô Thị Ty Na (sinh năm 1981, ở khu phố 3, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).

Kết quả điều tra xác định ngày 2/1/2023, nạn nhân Nguyễn Văn Hoàng (sinh năm 2017) là con ruột đối tượng Na tử vong trong nhà vệ sinh tại nhà. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan Công an đã xác định đối tượng Na có hành vi giết con trai ruột nhằm trục lợi bảo hiểm.

a-ty-na-1743925395-9756-1743928035.jpg
Đối tượng Tô Thị Ty Na (sinh năm 1981, ở khu phố 3, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam)

Do đó, ngày 5/4, Cơ quan công an đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Tô Thị Ty Na về hành vi Giết người. Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.

Được biết, trong lịch sử phát triển bảo hiểm tại Việt Nam đã từng có những vụ án giết người thân để lấy tiền bảo hiểm nhưng đều bị phát hiện.

Đơn cử, tại tỉnh Đắk Nông vào tháng 5/2020, người dân phát hiện 1 ô tô cháy rụi trên Quốc lộ 28 (đoạn qua xã Đắk Som, huyện Đắk G'Long) bên trong có 1 tử thi bị cháy. Thời điểm đó, nhiều người nghĩ đó là 1 vụ tai nạn giao thông và nạn nhân là Đỗ Văn Minh (Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) - người điều khiển xe.

Tuy nhiên, qua điều tra phát hiện nhiều bất thường, hé lộ ông Minh là nghi phạm giết người để trục lợi bảo hiểm. Do thua lỗ hơn 23,7 tỷ đồng từ việc buôn bán cà phê trực tuyến, ông Minh đã mua gói bảo hiểm nhân thọ trị giá lớn. Để thực hiện kế hoạch, ông Minh từng cố đào mộ trộm xác nhưng bất thành.

Sau đó, ông Minh dụ cháu họ bên vợ là Trần Nho Vương (sinh năm 1995) đến rẫy, sát hại bằng búa, rồi dàn dựng tai nạn giao thông bằng cách tông xe vào cột mốc và đốt xe phi tang. Ông Minh đã bỏ trốn nhưng bị bắt sau 7 ngày. Tháng 1/2021, Đỗ Văn Minh đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông tuyên án tử hình về tội giết người và các tội danh khác liên quan đến chiếm đoạt tài sản và xâm phạm mồ mả.

Một vụ án khác liên quan đến số tiền bảo hiểm chi trả cho người đã mất. Năm 2024, Nguyễn Thị Hồng Bích (sinh năm 1986, trú Đồng Nai) cũng bị cáo buộc sát hại những người thân trong gia đình và sau đó nhận 800 triệu đồng tiền bảo hiểm.

Ngành bảo hiểm cũng đã chứng kiến nhiều vụ trục lợi tinh vi, phức tạp và để lại hậu quả nặng nề. Điển hình có vụ Lý Thị N (sinh năm 1986, ngụ xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) năm 2016 đã thuê người chặt 1/3 bàn chân và 1/3 bàn tay bên trái của mình rồi tạo hiện trường giả một vụ tai nạn tàu hỏa với mục đích sẽ có được 3,5 tỷ đồng tiền bồi thường bảo hiểm.

Qua điều tra, Công an phát hiện nhiều dấu hiệu nghi vấn. Do mục đích trục lợi bảo hiểm chưa hoàn thành, phía bảo hiểm chưa bồi thường nên N không bị khởi tố. Tuy nhiên, những thương tật trọn đời hẳn đã là cái giá quá đắt cho hành vi liều lĩnh, bất chấp tính mạng để tìm cách trục lợi của người phụ nữ này.

Vụ việc "tai nạn" cụt ngón tay cái tại miền Nam vào 2017 - 2018 cũng gây xôn xao. Theo đó, nhiều người khai bị thương khi làm việc nhưng thực chất đã mua nhiều hợp đồng bảo hiểm tại các công ty khác nhau trong thời gian ngắn. Tuy không thể kết luận họ tự gây thương tích, nhưng các vụ việc này đã giảm dần sau khi các công ty bảo hiểm điều tra và phát hiện sự gian dối trong khai báo.

HỒ SƠ BỆNH ÁN GIẢ VÀ ĐƯỜNG DÂY TRỤC LỢI

Điều đáng nói, hành vi trục lợi bảo hiểm hiện không dừng lại ở chỗ toan tính của một cá nhân mà còn có sự tham gia của nhiều người, thậm chí cả một đường dây cấu kết phân công chặt chẽ để dễ dàng qua mặt các doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có sự dàn dựng, tiếp tay của nhân viên y tế.

Ngày 23/8/2024, Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án “một khách hàng mua 19 hợp đồng bảo hiểm” từ năm 2019 nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm lên đến hàng chục tỷ đồng. Kết quả, ông Nguyễn Văn Khánh, bà Vũ Thị Ngọc Hà, bà Phan Thị Trang và ông Lê Đức Phong bị tuyên phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, tháng 7/2023, cơ quan Cảnh sát điều tra Nghệ An đã khởi tố vụ án gian lận bảo hiểm y tế tại một số cơ sở y tế, trong đó có nhân viên y tế tại Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh và Trung tâm Y tế Tân Kỳ. Các đối tượng đã làm giả hàng trăm bệnh án gãy xương để yêu cầu bảo hiểm chi trả, chiếm đoạt 10 tỷ đồng.

Tương tự, tháng 7/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Thái Nguyên đã khởi tố 9 đối tượng với các tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và giả mạo trong công tác liên quan đến một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Bước đầu xác định, một số cơ sở y tế, hàng chục nhân viên y tế, và hàng trăm khách hàng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận có liên quan đến đường dây mua bán chứng từ y tế giả để làm hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm sức khỏe.

Các đối tượng đã sử dụng giấy tờ tùy thân của người thân, người quen để mua hợp đồng bảo hiểm, và móc nối với các điều dưỡng, bác sĩ để tạo lập hồ sơ y tế điều trị ngộ độc thực phẩm, viêm dạ dày… nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm sức khỏe thu lợi bất chính lên đến hơn 5 tỷ đồng.

Vào năm 2020, Nguyễn Quang Uy, điều dưỡng viên của Khoa Tai mũi họng - Bệnh viện Bạch Mai, đã bị tòa tuyên phạt 30 tháng tù vì tội làm giả hồ sơ bệnh án của bản thân để chiếm đoạt 2 tỷ đồng tiền bồi thường bảo hiểm. Tuy nhiên, sau khi chiếm đoạt, nhận thấy hành vi của mình là vi phạm pháp luật, Uy đã tự chuyển khoản lại số tiền 2 tỷ đồng này cho 3 công ty bảo hiểm.

Tòa tuyên Uy đã phạm tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm nhưng có nhiều tình tiết giảm nhẹ, sau khi thực hiện hành vi đã ăn năn hối cải tự nguyện bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt nên chỉ xử phạt 30 tháng tù và nộp 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

XỬ LÝ NGHIÊM HÀNH VI TRỤC LỢI BẢO HIỂM

Theo chia sẻ từ một hãng bảo hiểm lớn, những yêu cầu chi trả trong giai đoạn đầu hợp đồng (đặc biệt trong vòng 2 năm) hoặc các trường hợp tử vong đột ngột thường được đưa vào diện kiểm tra kỹ lưỡng. Mục tiêu là loại trừ khả năng tự tử hoặc có liên quan đến hành vi phạm pháp.

Trong trường hợp phát hiện gian lận sau khi đã chi trả quyền lợi, công ty bảo hiểm sẽ tiến hành thu hồi lại số tiền đã thanh toán. Ngược lại, nếu không có bằng chứng xác thực, doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ cam kết và chi trả đúng theo hợp đồng.

Các điều khoản loại trừ trong hợp đồng bảo hiểm cũng nêu rõ những trường hợp không được bồi thường, bao gồm: hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm điều kiện hợp đồng hoặc bệnh lý có sẵn từ trước. Với hồ sơ bồi thường tử vong, khách hàng cần cung cấp giấy chứng tử, hồ sơ bệnh án (nếu có) và biên bản điều tra nếu nguyên nhân tử vong là tai nạn.

Trước tình trạng trục lợi bảo hiểm ngày càng gia tăng và tinh vi hơn, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động tăng cường năng lực giám sát và xử lý. Bộ phận bồi thường được đào tạo chuyên sâu để nâng cao khả năng nhận diện và điều tra các hồ sơ có dấu hiệu bất thường.

Song song đó, công nghệ thông tin được ứng dụng để phân tích dữ liệu, phát hiện những điểm nghi vấn trong các nghiệp vụ dễ bị lợi dụng. Các công ty cũng thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, nắm bắt kịp thời các xu hướng gian lận để đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp. Bởi lẽ, thiệt hại từ trục lợi không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, mà còn xâm hại quyền lợi của những khách hàng chân chính.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng các biện pháp khác nhau để đối phó với trục lợi bảo hiểm. Mỹ có các cơ quan chuyên trách như Văn phòng Quốc gia về Tội phạm Bảo hiểm (NICB) và Hiệp hội Quản lý Bảo hiểm Quốc gia (NAIC). Anh, Úc và nhiều quốc gia khác cũng triển khai các cơ sở dữ liệu chuyên dụng nhằm phát hiện gian lận. Các cơ chế khuyến khích cung cấp thông tin về gian lận bảo hiểm cũng đã được áp dụng rộng rãi.

Trước tình hình hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng thì việc đưa ra một chế tài có sức răn đe hơn là rất cần thiết. Do đó, lần đầu tiên trong Bộ luật Hình sự 2015 của Việt Nam đã hình sự hóa tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm. Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm được quy định, hướng dẫn tại Điều 213 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Theo đó, hành vi trục lợi bảo hiểm nếu đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan thi hành pháp luật sẽ truy tố với tội danh "gian lận bảo hiểm" hay "lừa đảo chiếm đoạt tài sản’’. Người có hành vi trục lợi bảo hiểm từ 20 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, và mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Tỷ giá trước “cơn bão” thuế quan từ Mỹ

Tỷ giá trước “cơn bão” thuế quan từ Mỹ

Việc Mỹ áp mức thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam có thể gây ra những tác động đáng kể đến tỷ giá USD/VND, tuy nhiên giới phân tích vẫn lạc quan vào chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước và khả năng thích ứng của doanh nghiệp...