Theo ông Hùng, từ đàu tháng 10, Bộ Công thương đã ban nguyên tắc xây dựng khung giá cho các dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp.
Dự kiến từ ngày 25-30 tháng 11/2022, Bộ Công Thương sẽ thẩm định xong khung giá cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.
Tuy nhiên, khung giá này chỉ áp dụng cho khoảng 4.000 MW thuộc các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp chưa xác định giá. Còn đối với các dự án năng lượng tái tạo mới, giá điện sẽ được xác định theo cơ chế đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện theo từng thời điểm.
Còn về việc bãi bỏ cơ chế giá FIT theo Quyết định 13 và 39, ông Hùng cho biết, các dự án đang hưởng giá FIT vẫn được hưởng theo đúng hợp đồng. Các dự án hoà lưới sau thời gian quy định sẽ không hưởng cơ chế giá FIT. "Các dự án hoà lưới sau thời gian quy định sẽ không hưởng cơ chế giá FIT", ông Hùng nói.
Trước đó, theo thống kê, đến nay còn 62 dự án điện gió với tổng công suất 3.479 MW đã ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhưng không kịp hoàn thành COD trước 31/10/2021 nên chưa được bán điện. Bên cạnh đó, 452 MW điện mặt trời cũng phải chờ xác định giá bán điện. Ngoài ra, còn một số dự án triển khai dở dang.
Các dự án đó được gọi chung là dự án chuyển tiếp. Chủ đầu tư đã bỏ tiền ra đầu tư số tiền hàng nghìn tỷ đồng, nếu không được huy động sẽ gây lãng phí vốn xã hội, hỏng hóc thiết bị.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Công thương đã giao EVN là đơn vị chủ trì để xây dựng đơn giá tính điện chuyển tiếp.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp năng lượng tái tạo cũng cho rằng, EVN cũng là doanh nghiệp và đang mua điện của chính các nhà máy năng lượng tái tạo, vì thế việc EVN - dù là doanh nghiệp Nhà nước đề xuất khung giá là chưa hợp lý và dễ xung đột lợi ích.