CPTPP đã đạt được bước tiến đáng kể khi Úc thông báo với New Zealand (hôm nay 31/10) rằng, nước này đã trở thành nước thứ 6 chính thức phê chuẩn hiệp định, bên cạnh Canada, Nhật Bản, Mexico và Singapore. New Zealand là quốc gia chịu trách nhiệm theo dõi và ghi chép tiến trình hiệp định.
"Diễn biến này sẽ kích hoạt 60 ngày đếm ngược tới ngày Hiệp định có hiệu lực và vòng cắt giảm thuế quan đầu tiên sẽ bắt đầu"- Bộ trưởng Phát triển Thương mại và Xuất khẩu New Zealand David Parker cho hay.
Cuối tuần trước, Chính phủ của Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã gửi thông báo về việc nước này phê chuẩn CPTPP đến New Zealand. Theo đó, Canada đã hoàn tất quá trình pháp lý sau khi các nhà làm luật thông qua hiệp định hôm 25-10.
Hiệp định thương mại này ban đầu có 12 thành viên và mang tên Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP rơi vào khó khăn hồi đầu năm ngoái khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định với lý do ưu tiên bảo việc làm cho nền kinh tế số một thế giới.
“Sự thành công của hiệp định này được giới chức Nhật Bản và các thành viên khác của CPTPP ví von là "thuốc giải độc" để chống lại chủ nghĩa bảo hộ đang lớn mạnh ở Mỹ. Đồng thời, các thành viên của hiệp định được cho là vẫn hy vọng Washington rốt cuộc cũng sẽ quay lại.
Chính phủ Úc cho biết CPTPP sẽ thúc đẩy xuất khẩu nông nghiệp, dự kiến trị giá hơn 36,91 tỉ USD trong năm nay bất chấp hạn hán hoành hành ở nhiều khu vực bờ biển phía Đông nước này.
"Hiệp định sẽ giúp cho nông dân ngũ cốc của Úc có thể mỉm cười giữa thời điểm hạn hán gây tàn phá đáng ngại, bằng cách đảm bảo cải thiện tiếp cận thị trường và giá thành tốt hơn một khi điều kiện mùa màng thuận lợi hơn trở lại"- ông Luke Mathews, quản lý thương mại và kinh tế tại GrainGrowers Australia cho hay.
CPTPP sẽ giảm thuế quan trong các nền kinh tế chiếm hơn 13% GDP toàn cầu – tổng cộng khoảng 10 ngàn tỉ USD. Nếu có thêm Mỹ, hiệp định sẽ đại diện cho 40% GDP toàn cầu.
Năm thành viên còn lại vẫn đang trong quá trình phê chuẩn hiệp định là Brunei, Chile, Malaysia, Peru và Việt Nam.