Sau hơn 6 năm, thị trường phát điện cạnh tranh có 87 nhà máy điện tham gia

Tính đến hết tháng 9/2018 đã có 87 nhà máy điện tham gia giao dịch trên thị trường phát điện cạnh tranh, tăng thêm 11 nhà máy so với thời điểm tháng 6/2017.
Sau hơn 6 năm, thị trường phát điện cạnh tranh có 87 nhà máy điện tham gia

Theo Cục Điều tiết Điện lực, việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đã góp phần tăng tính minh bạch, công bằng trong việc huy động các nguồn điện, thông qua bản chào giá của nhà máy để đưa ra lịch huy động, các nhà máy có giá chào thấp sẽ được huy động trước sau đó đến các nhà máy có giá chào cao hơn cho đến khi đáp ứng được nhu cầu của phụ tải.

Tham gia thị trường này, các đơn vị phát điện đã nhận thức được tầm quan trọng, chủ động hơn trong công tác vận hành, rút ngắn thời gian sửa chữa bảo dưỡng, cắt giảm chi phí vận hành, chủ động trong chào giá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả chung của toàn hệ thống.

Tuy nhiên, theo Cục Điều tiết Điện lực trong quá trình xây dựng, vận hành thị trường điện cũng phát sinh một số vấn đề khó khăn như hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành hệ thống điện. Trong thị trường điện các nhà máy thủy điện chiếm tỷ lệ lớn, trong khi các yếu tố đầu vào thủy văn thường bất định, khó dự báo, do vậy công tác lập kế hoạch vận hành thị trường điện hàng năm, hàng tháng cũng ẩn chứa nhiều yếu tố phức tạp.

Việc nghẽn mạch đường dây truyền tải 500 kV trong các chu kỳ cao điểm cũng tác động lớn đến kết quả vận hành thị truờng; ngay cả trong mùa mưa, dù công suất sẵn sàng của các nhà máy thủy điện miền Bắc tương đối cao nhưng không thể truyền tải hết vào miền Nam.

Phân tích của Cục Điều tiết Điện lực cũng cho thấy cùng với các vấn đề nội tại của ngành, thị trường điện cạnh tranh cũng chịu thách thức lớn từ các nhân tố bên ngoài, trong đó nhân tố đặc biệt quan trọng là vấn đề cung ứng nhiên liệu sơ cấp (than, khí) cho phát điện.

Các cụm nhà máy điện tua-bin khí (cụm Phú Mỹ, cụm Nhơn Trạch….) cùng chia sẻ một hệ thống cung cấp khí nhưng lại có nhiều ràng buộc khác nhau về giá khí (giá bao tiêu, giá trên bao tiêu, thay đổi về khí khi hòa thêm nguồn khí mới…).

Việc tăng giá nhiên liệu đầu vào (than/khí) cũng gây áp lực tăng giá thị trường điện.

Trước đó, nhiều doang nghiệp đã kêu còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Lãnh đạo Bộ Công Thương đã yêu cầu giải quyết dứt điểm trước khi vận hành chính thức thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ năm 2019.

>> Phát điện cạnh tranh: DN kêu “khó”, Bộ hứa giải quyết trước 2019

Có thể bạn quan tâm