Nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Saudi Arabia, vừa qua, Đoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam do Thứ trưởng Hoàng Trung dẫn đầu đã có buổi làm việc với ngài Hishsam S. Aljadhey Tổng cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Saudi Arabia (SFDA) và bàn về hướng đẩy mạnh phát triển ngành Halal tại Việt Nam.
Mở đầu nội dung trao đổi, Thứ trưởng Hoàng Trung đánh giá cao về sự hợp tác tích cực của các cơ quan quản lý của Saudi Arabia, đặc biệt là SFDA trong thời gian qua nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại nông lâm thủy sản giữa hai nước. Việt Nam luôn ghi nhận Saudi Arabia là thị trường lớn và là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hoàng Trung đã đề cập đến vấn đề hợp tác giữa Việt Nam và Saudi Arabia trong lĩnh vực ngành Halal.
Thứ trưởng Hoàng Trung đã chia sẻ thông tin Hội nghị Halal toàn quốc với chủ đề "Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam" do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 22/10/2024 vừa qua. Đại sứ quán và các đối tác Saudi Arabia tại Việt Nam cũng đã tham dự Hội nghị và chia sẻ những quy định, kinh nghiệm rất bổ ích cho phía các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam.
Để thúc đẩy phát triển thị trường Halal, Việt Nam mong muốn hợp tác với Saudi Arabia trong sản xuất và chứng nhận sản phẩm Halal. Thứ trưởng đề nghị phía Saudi Arabia cung cấp các thông tin thị trường, thị hiếu để xúc tiến các sản phẩm nông sản Việt Nam tiếp cận được thị trường thực phẩm Halal tại Saudi Arabia. Cũng như đề nghị SFDA chia sẻ các chính sách, quy định về công nhận lẫn nhau đối với chứng nhận Halal, tập trung vào các sản phẩm trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi.
Thị trường Halal được đánh giá đang là “mảnh đất” đầy tiềm năng, dự báo quy mô toàn cầu có thể lên tới 10.000 tỷ USD trước năm 2028, trải rộng trên khắp thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo, trong đó dân số Hồi giáo dự báo đạt 2,8 tỷ người vào năm 2050, chiếm gần 30% dân số toàn cầu.
Cùng với đó, trong bối cảnh Chính phủ Saudi Arabia đang triển khai Chiến lược Tầm nhìn 2030, trong đó tập trung vào đa dạng hóa nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm, đây là cơ hội lớn đối với ngành nông nghiệp của Việt Nam.
Đáp lại ý chí của Thứ trưởng Hoàng Trung, ngài Hishsam S. Aljadhey cho biết hợp tác về sản phẩm Halal với Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản là một trong những ưu tiên hàng đầu của Saudi Arabia. SFDA sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và các quy định về chứng nhận halal với cơ quan quản lý phía Việt Nam.
Việt Nam đang nổi lên là một mắt xích rất quan trọng cho chuỗi cung ứng Halal toàn cầu. Với các lợi thế của mình, Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất và phân phối các sản phẩm Halal. Hợp tác giữa Saudi Arabia và Việt Nam có thể tạo ra hệ sinh thái Halal thịnh vượng
Tiến sỹ Yousif S.AlHarbi, Phó Chủ tịch Trung tâm Halal Saudi Arabia, SFDA
Cùng với đó, ngài Hishsam S. Aljadhey đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực này với phía Saudi Arabia. Thứ trưởng Hoàng Trung nhất trí sáng kiến của SFDA và sẽ chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ trao đổi, thảo luận cụ thể với Đại sứ quán Saudi Arabia tại Việt Nam và SFDA về đề xuất trên.
Ngoài ra trong cuộc hội đàm, Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị SFDA xem xét sớm gỡ bỏ Chỉ thị số 21174 ngày 23/1/2018 về việc tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản nuôi trồng từ Việt Nam. Đề nghị này được dựa trên cơ sở hầu hết các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam xuất khẩu chủ lực sang thị trường Saudi Arabia đều tăng trưởng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2024. Đặc biệt là rau quả (10,9 triệu USD, tăng 51,4%), gạo (22,7 triệu USD, tăng 43,7%), hạt tiêu (12,5 triệu USD, tăng 34%); riêng mặt hàng thủy sản có sự suy giảm nhẹ (59,1 triệu USD, giảm 0,2%).
Về vấn đề này, ngài Hishsam S. Aljadhey khẳng định sẽ cử đoàn kỹ thuật sang Việt Nam đánh giá thực tế hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đối với chuỗi sản xuất thủy sản nuôi trồng trong thời gian sớm nhất để có cơ sở dỡ bỏ toàn bộ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu đối với thủy sản nuôi trồng của Việt Nam.
Trước đó, tại Hội nghị "Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 5 ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Hội nghị nói riêng và việc đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam. Theo đó, việc phát triển ngành Halal góp phần kết nối con người Việt Nam với con người các nước trên thế giới, nhất là thế giới đạo Hồi, trong bối cảnh chiến tranh, xung đột diễn biến phức tạp ở nhiều nơi.
Đồng thời, kết nối Việt Nam và thế giới thông qua các sản phẩm, dịch vụ Halal; kết nối nền kinh tế Việt Nam với kinh tế toàn cầu một cách đa dạng, phong phú, toàn diện và bền vững; kết nối văn hóa Việt Nam với văn hóa các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đạo Hồi, nhất là văn hoá ẩm thực.