Sẽ “bơm” tiền khẩn cấp cho vay ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt

Dự thảo thông tư mới của Ngân hàng Nhà nước quy định sẽ hỗ trợ cho vay đối với tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt.
Sẽ “bơm” tiền khẩn cấp cho vay ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt

Quốc hội vừa thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, trên cơ sở này, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố một dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 06/2012/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng.

Dự thảo Thông tư quy định cụ thể các trường hợp cho vay đặc biệt của NHNN, bảo hiểm tiền gửi, ngân hàng hợp tác xã và tổ chức tín dụng (TCTD) khác đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt; trong đó việc cho vay đặc biệt của TCTD đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt thực hiện theo thỏa thuận giữa TCTD cho vay và TCTD đi vay, phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo dự thảo thông tư mới, kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt, dư nợ gốc, lãi của khoản cho vay tái cấp vốn chuyển thành dư nợ cho vay đặc biệt với lãi suất bằng lãi suất của khoản tái cấp vốn.

Thời hạn vay bằng thời hạn còn lại của khoản tái cấp vốn. Việc xử lý khoản cho vay đặc biệt này thực hiện theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại tổ chức tín dụng hoặc theo phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được phê duyệt.

Việc cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản khi tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, bao gồm cả trường hợp tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án cơ cấu lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điểm chú ý là Ngân hàng Nhà nước quy định “tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng khoản vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản vào mục đích chi trả tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân”. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền khi tổ chức tín dụng mất thanh khoản.

Khoản vay đặc biệt cũng không được sử dụng để chi trả cho người có liên quan của tổ chức tín dụng; người điều hành, cổ đông sáng lập; người có liên quan của người quản lý, người điều hành, cổ đông lớn, cổ đông sáng lập.

Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước giới hạn thời hạn cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản tối đa là 2 năm nhưng không quá thời hạn kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng. Trong thời hạn cho vay đặc biệt, tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại theo phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt.

Về lãi suất cho vay đặc biệt của NHNN để hỗ trợ thanh khoản, theo Dự thảo Luật, việc cho vay đặc biệt của NHNN với lãi suất ưu đãi thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ (Điểm c khoản 2 Điều 146: Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho vay đặc biệt của NHNN với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với TCTD được KSĐB).

Dự thảo thông tư của NHNN quy định, lãi suất cho vay đặc biệt bằng lãi suất tái cấp vốn công bố trong từng thời kỳ. Trường hợp đến hạn, tổ chức tín dụng chưa trả hết nợ gốc, lãi vay đặc biệt và không được Ngân hàng Nhà nước gia hạn thì lãi suất đối với nợ gốc quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay ghi trên hợp đồng cho vay đặc biệt, lãi suất đối với nợ lãi chậm trả bằng 50% lãi suất cho vay ghi trên hợp đồng cho vay đặc biệt.

Lãi suất cho vay đặc biệt của tổ chức tín dụng thực hiện phương án cơ cấu lại theo phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc miễn, giảm tiền lãi cho vay đặc biệt thực hiện theo phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

>> Chuyển nhượng ngân hàng 0 đồng với giá nào là hợp lý?

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...