Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, đối với tín dụng bất động sản, 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) thống nhất có gói 120.000 tỷ đồng dành cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay.
"Trong vài ngày tới sẽ có văn bản chính thức triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng này, để có hướng dẫn cho vay thống nhất ở cả 4 ngân hàng", ông Tú nhấn mạnh.
Nói thêm về gói tín dụng này, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng cho hay, đối tượng vay gói 120 nghìn tỷ là người mua nhà, chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Khách hàng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và các điều kiện vay vốn theo quy định hiện hành của các ngân hàng thương mại. Khi doanh số đạt 120.000 tỷ đồng thì chương trình sẽ dừng, nhưng không quá thời hạn 31/12/2023.
Đồng thời, lãi suất giảm sẽ giảm 1,5% cho các chủ đầu tư bất động sản thuộc lĩnh vực nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội. Song song, lãi suất giảm 2% cho người mua nhà.
Như vậy, tổng mức giảm ở cả hai chiều có thể lên tới 3,5%. Theo đó, lãi suất cho vay dự kiến từ 8,2-8,7%/năm, thời gian áp dụng 3 năm cho chủ đầu tư và 5 năm cho người mua nhà.
Tại buổi họp báo, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, tính ngày 28/3, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng 2,06% so với cuối năm 2022 và tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng trưởng tín dụng kể trên đồng nghĩa với việc các ngân hàng đã giải ngân cho vay ròng ra nền kinh tế hơn 245.600 tỷ đồng trong ba tháng gần nhất, tương đương bình quân gần 81.900 tỷ đồng/tháng.
Tuy nhiên, nếu so với quý 1/2022, mức tăng trưởng tín dụng trong quý đầu năm nay đã giảm hơn một nửa. Đáng chú ý, mức tăng trưởng tín dụng thấp kể trên diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng mới cho các ngân hàng thương mại năm 2022, các nhà băng cũng cho biết các hoạt động cho vay đã trở lại bình thường.
Về lãi suất, định hướng từ đầu năm của Ngân hàng Nhà nước là khuyến khích các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để có nguồn lực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Trong quý 1, các ngân hàng thương mại đã tích cực giảm lãi suất đối với cả tiền gửi và tiền vay.
Trước đó, dựa trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát 4,5% mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Trong tháng 2, cơ quan quản lý tiền tệ đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng và tiếp tục chỉ đạo hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.