Theo đó, 18/1/2022 là ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông SeABank thực hiện quyền mua cổ phiếu trong đợt phát hành tới đây. Thời gian chuyển nhượng quyền mua cổ phần là từ ngày 26/1 đến ngày 22/2.
Được biết, SeABank sẽ chào bán hơn 181 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền là 100:12,2633. Cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu tại ngày chốt danh sách có 1 quyền mua, cứ 100 quyền mua được mua thêm 12,2633 cổ phiếu mới.
Giá chào bán theo công bố của SeABank là 15.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 66% so với thị giá của SSB trên thị trường chứng khoán. Số tiền ngân hàng này dự kiến huy động được là hơn 2.719 tỷ đồng.
Sau phát hành, vốn điều lệ của SeABank sẽ tăng từ 14.785 tỷ đồng lên 16.599 tỷ đồng.
Trong năm 2021, SeABank đã 3 lần tiến hành phát hành thêm cổ phiếu thông qua hình thức trả cổ tức, phát hành ESOP và chào bán cho cổ đông với giá 15.000 đồng/cổ phiếu.
Về tình hình kinh doanh, thu nhập lãi thuần quý III của SeABank đạt hơn 1.418 tỷ đồng, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm 2020. Trừ hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận lãi thuần giảm gần 58%, đạt 15,6 tỷ đồng, các hoạt động ngoài lãi còn lại đều tăng trưởng bằng lần so với cùng kỳ năm 2020.
Ngân hàng này báo lãi trước thuế trong kỳ đạt gần 974 tỷ đồng, cao gấp đôi mức thức hiện trong quý III/2020.
Theo giải trình của SeABank, ngoài việc lợi nhuận từ hầu hết cả mảng kinh doanh đều tăng thì việc kiểm soát chi phí là một trong những nguyên nhân giúp kết quả kinh doanh của ngân hàng này đạt tăng trưởng mạnh trong kỳ. Cụ thể, tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu thuần hợp nhất đạt 35,3%, giảm 14,5% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng, thu nhập lãi thuần và lợi nhuận trước thuế của SeABank lần lượt đạt 3.848 tỷ đồng và 2.530 tỷ đồng, tương ứng tăng 85% và tăng gấp 2 lần 9 tháng năm 2020.