Sự bất cập của Luật doanh nghiệp và thực tế áp dụng

Trong quá trình triển khai áp dụng Luật Doanh nghiệp 2015 trong thực tiễn đã bộc lộ một số hạn chế khiến cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và cơ quan thực thi pháp luật gặp rất nhiều khó khăn.
Sự bất cập của Luật doanh nghiệp và thực tế áp dụng

Luật Doanh nghiệp 2015 có hiệu lực vào ngày 01/7/2016 thay thế Luật Doanh nghiệp 2005 đã thể hiện sự đổi mới, tiến bộ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, tạo hành lang pháp lý cho Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài để thu hút vốn.

"Bên cạnh những điểm mới, hợp lý và tiến bộ thì trong quá trình triển khai áp dụng Luật Doanh nghiệp 2015 trong thực tiễn đã bộc lộ một số hạn chế khiến cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và cơ quan thực thi pháp luật gặp rất nhiều khó khăn trong việc áp dụng để giải quyết một số quan hệ pháp luật phát sinh.

Trong bài viết này, chúng tôi cùng với Luật sư đề cập một trong những bất cập trong việc áp dụng luật Doanh nghiệp 2015 để giải quyết một quan hệ phát sinh đó là tính hợp pháp của cuộc họp Đại hội đồng cổ đông:

Năm 2011 Công ty TNHH một thành viên (thuộc sở hữu của một Bộ Q) được cơ quan Bộ giao thực hiện Dự án xây dựng một Trung tâm thương mại, căn hộ và văn phòng cho thuê tại khu đất nằm trên đường Trường Chinh, thành phố Hà Nội. Để thực hiện dự án, chủ trương của Bộ là kêu gọi các nhà đầu tư bên ngoài cùng hợp tác đầu tư và phân chia lợi nhuận. Năm 2012, Công ty trên cùng với 03 nhà đầu tư (là 3 pháp nhân) ký kết Hợp đồng hợp tác Đầu tư với nội dung cơ bản là: thành lập một pháp nhân mới theo mô hình Công ty cổ phần gồm 04 cổ đông sáng lập ( đều là pháp nhân) để quản lý và thực hiện dự án nói trên; Vốn điều lệ được các bên thống nhất là 50,000,000,000 đồng (năm mươi tỷ đồng); Về cơ cấu phần vốn góp: Công ty TNHH một thành viên góp 51% (phần vốn này được duy trì trong suốt quá trình thực hiện Dự án) ba cổ đông còn lại còn lại lần lượt chiếm giữ 24%,10% và 5%; Người đại diện theo pháp luật là người của cổ đông chiếm 51%. Hợp đồng hợp tác Đầu tư được các bên ký kết trên tinh thần hợp tác vui vẻ và đoàn kết.

Sau khi Hợp đồng hợp tác đầu tư nói trên được ký kết, các Bên đã hoàn thiện hồ sơ, tài liệu gửi Sở kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký Doanh nghiệp. Tháng 9 năm 2012 Phòng Đăng ký kinh doanh thành phố Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký Doanh nghiệp, pháp nhân mới đã hình thành gồm bốn cổ đông nói trên. Trong các ngành nghề kinh doanh của Công ty được cấp có ngành nghề kinh doanh bất động sản (ngành kinh doanh có điều kiện về Vốn pháp định tối thiểu là 6 tỷ đồng). Để thành lập được doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh bất động sản, bốn cổ đông sáng lập đồng ý để nhà đầu tư chiếm 24% phần vốn góp, dùng tiền 50,000,000,000 đồng (năm mươi tỷ đồng) của mình ký quỹ tại ngân hàng để hoàn thiện thủ tục đăng ký Doanh nghiệp, Ngân hàng đã ban hành chứng thư bảo lãnh.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký Doanh nghiệp, các cổ đông đã bắt tay vào hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, các hạng mục của dự án cũng bắt đầu được thực hiện. Sau gần 02 năm hoạt động, dự án gặp nhiều khó khăn trong đó có vướng mắc thủ tục, giấy tờ để thực hiện dự án. Thay vì, các cổ đông phải đoàn kết, đồng lòng để tháo gỡ vượt qua khó khăn, thì các cổ đông lại có dấu hiệu mất đoàn kết. Cổ đông lớn dùng “kỹ thuật” để loại bỏ các cổ đông còn lại. Đỉnh điểm là vào đầu năm 2016, Chủ tịch HĐQT đã thông báo nộp tiền cổ đông và triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (đây là cuộc họp đầu tiên kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh). Tại cuộc họp này, Đại hội đồng cổ đông đã thảo luận một số nội dung trong đó có những nội dung không có trong thông báo mời họp như: rút tư cách các cổ đông sáng lập chưa góp vốn.   Điều đáng nói là cuộc họp Đại hội đồng cổ đông đã được tổ chức một cách bất hợp pháp, theo ý chí chủ quan của ông Chủ tịch Hội đồng quản trị. Tuy nhiên Biên bản cuộc họp và Quyết định của Đại hội đồng cổ đông vẫn được cơ quan đăng ký kinh doanh công nhận.

Không chấp nhận cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất hợp pháp, cổ đông sáng lập bị rút tư cách cổ đông đã khởi kiện vụ việc ra Tòa án, yêu cầu Tòa hủy Nghị quyết đại hội đồng cổ đông với lý do cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tổ chức không đúng trình tự theo quy định của pháp luật và theo Điều lệ của Công ty.

Để làm rõ tính hợp pháp của cuộc họp Đại hồi đồng cổ đông, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Dương Văn Thụ - Trưởng văn phòng Luật sư Thiên Dương, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, người có nhiều kinh nghiệm trong nhiều vụ án hủy nghị quyết Đại hội đồng cổ đông. Luật sư Thụ cho biết:

Thứ nhất, Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được coi là hợp pháp khi được triệu tập theo đúng trình tự thủ được quy định tại Điều 139 Luật Doanh nghiệp 2014. Mời họp Đại hội đồng cổ đông

  1. Người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông phải gửi thông báo mời họp đến tất cả các cổ đông trong Danh sách cổ đông có quyền dự họp chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn dài hơn. Thông báo mời họp phải có tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp; tên, địa chỉ thường trú của cổ đông, thời gian, địa điểm họp và những yêu cầu khác đối với người dự họp…
  2. Thông báo mời họp phải được gửi kèm theo các tài liệu sau đây:
  3. a) Chương trình họp, các tài liệu sử dụng trong cuộc họp và dự thảo nghị quyết đối với từng vấn đề trong chương trình họp;
  4. b) Phiếu biểu quyết;
  5. c) Mẫu chỉ định đại diện theo ủy quyền dự họp.

Thứ hai, xem xét việc góp vốn để xác định tư cách cổ đông, công ty có ngành nghề kinh doanh bất động sản, đây là ngành kinh doanh phải có vốn pháp định và số vốn này phải được hình thành trước khi được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận đăng ký Doanh nghiệp. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Nghị định Số 153/2007/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản về Vốn pháp định đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản: “Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định là 6 (sáu) tỷ đồng Việt Nam.” Căn cứ vào Khoản 4, Điều 19, Luật Doanh nghiệp 2005 thì trong Hồ sơ đăng ký kinh doanh của công ty cổ phần phải có: “Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định.”. Căn cứ vào chứng thư bảo lãnh của Ngân hàng, thì các cổ đông đã hoàn thành việc góp vốn vào công ty. Như vậy, họ có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của cổ đông theo quy định của Pháp luật và theo Điều lệ Công ty

Thứ ba, về thời hạn thanh toán tiền mua cổ phần và hậu quả của việc không thanh toán, theo quy định tại khoản 2, Điều 84 Luật Doanh nghiệp 2005 có quy định: “Trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, công ty phải thông báo việc góp vốn cổ phần đến cơ quan đăng ký kinh doanh; và tại Điều 112 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp có cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty”.

Theo người đại diện theo pháp luật của Công ty, thì hết thời hạn 90 ngày có 02 cổ đông không nộp tiền mua cổ phần. Như vậy, trong trường hợp các cổ đông không thanh toán tiền mua cổ phần, Công ty phải thực hiện các thủ tục như: Các cổ đông sáng lập còn lại góp đủ số cổ phần đó theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty; hoặc một số cổ đông sáng lập nhận góp đủ số cổ phần đó; Huy động người khác không phải là cổ đông sáng lập nhận góp đủ số cổ phần đó…; nếu không thực hiện được, thì Công ty buộc phải làm thủ tục giảm vốn và chuyển đổi mô hình hoạt động từ Công ty cổ phần sang mô hình Công ty TNHH. Bởi theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 77 Luật Doanh nghiệp 2005 và điểm b, Khoản 1, Điều 110 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó: Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 …”.

Thư tư, tính hợp pháp của Đại hội đồng cổ đông tháng 02/2016, tính đến trước cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Công ty không huy động được người khác góp vốn, không là thủ tục giảm vốn và chuyển đổi mô hình hoạt động mà vẫn tổ chức Đại hội đồng cổ đông là trái pháp luật. Bởi như đã viện dẫn ở trên, sau 90 ngày các cổ đông không góp vốn, công ty không còn đủ số lượng cổ đông tối thiểu để tổ chức theo mô hình Công ty cổ phần. Vì vậy không có Đại hội đồng cổ đông.

Từ những phân tích trên, những bất cập trong quá trình quản trị, điều hành doanh nghiệp đã bộ lộ những bất cập gây khó khăn cho các cơ quan thực thi và áp dụng pháp luật. Vì, nếu công nhận tính hợp pháp của cuộc họp đại hội đồng cổ đông thì mặc nhiên phải công nhận sựu tồn tại hợp pháp của các cổ đông chưa thanh toán tiền mua cổ phần. Nhưng nếu công nhận sự tồn tại hợp pháp của cổ đông chưa thanh toán tiền mua cổ phần thì lại trái với quy định của pháp luật. Vì vậy, để doanh nghiệp phát triển một cách lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng cần phải có những quy định cụ thể về việc kiểm tra, giám sát vấn đề góp vốn trong các doanh nghiệp, tránh tình trang đăng ký vốn ảo làm ảnh hưởng đến hoạt động của chính doanh nghiệp nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung. 

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...