Tạm biệt charter bay

Muộn còn hơn… muộn hơn nữa! Sức ép từ các doanh nghiệp và người dân trong nước, sức ép từ hơn 1 triệu (ước tính) người Việt ở nước ngoài có nhu cầu về nước khiến cho cánh cửa hàng không quốc tế vào Việt Nam – rất có thể bật tung sau ngày 15/12.

Con đường bay sinh ra từ… khủng hoảng

Giữa năm 2021, khi đường hàng không charter bay chính thức làm mưa làm gió trên thị trường bay quốc tế - chở khách về Việt Nam, đã có một nhóm người khởi động đường bay này. Giá vé 60 triệu đồng cho một chiều từ Bắc Mỹ về Việt Nam, bao gồm cả 14 ngày cách ly trong khu resort 5 sao.

Ở thời điểm đó, các chuyến bay giải cứu hiếm hoi từ Bắc Mỹ về Việt Nam - do Chính phủ tổ chức - có giá 52,4 triệu đồng + 14 triệu đồng cách ly tại khách sạn 3 sao. Phải là các đối tượng ưu tiên được xét duyệt từ trên xuống, đại loại: Học sinh dưới 18 tuổi bị mất chỗ ở, người trên 60 tuổi bị kẹt lại, người mang bệnh trọng, người có cha mẹ già ốm nặng hoặc đang hấp hối… rồi mới đến các đối tượng bị kẹt khác.

Để đăng ký được bay về không dễ, nhiều người đợi cả 6 tháng vẫn chưa đến lượt. Thế nên, giá vé 60 triệu đồng cho chuyến bay charter ở thời điểm đó được coi là hợp lý.

Hành khách làm thủ tục chuyến bay thường lệ đầu tiên từ Mỹ về Việt Nam. Ảnh: Người Lao động
Hành khách làm thủ tục chuyến bay thường lệ đầu tiên từ Mỹ về Việt Nam. Ảnh: Người Lao động

Nhưng, vì nhiều lý do, chuyến bay charter đó đã không thành, mang lại không ít hệ lụy cho nhà tổ chức.

Ngay sau đó, đường bay charter khác từ khắp các châu lục đổ về Việt Nam bỗng mọc lên và hoạt động hết sức nhộn nhịp. Các phòng bán vé đẩy mạnh quảng bá trên các trang mạng, kể cả kỹ thuật “quảng cáo truy sát” của Google - bạn chỉ cần nhấp chuột tìm đường bay về Việt Nam là ngay lập tức cụ Google Chrome sẽ gửi đến bạn mọi thông tin của các chuyến bay charter này, chen giữa nội dung của các trang mạng.

Giá vé thì trên trời – lẽ tất nhiên rồi. Hàng không đóng cửa đường quốc tế đến Việt Nam nhưng lại hé mở cho một số doanh nghiệp tổ chức bay charter. Khách mua vé kiểu combo, bao gồm vé, khách sạn cách ly 7 ngày, xét nghiệm covid với giá từ 89 triệu đồng đến trên trăm triệu đồng (với khách từ châu Âu, Mỹ và Canada), gần 50 triệu đồng (với khách từ Hàn Quốc, Singapore)… Cá biệt có người bạn của tiến sĩ Lương Hoài Nam từng phải mua vé từ Mỹ về Việt Nam với giá 240 triệu đồng (có thể vé hạng thương gia). Trừ Vietnam Airlines trực tiếp sang Pháp chở khách về Việt Nam, có giá vé một chiều (combo) khoảng 60 triệu đồng, các chuyến bay từ châu Mỹ, Úc đến một vài nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản… đều do các hãng hàng không quốc tế như Korean, Kathay Pacipic, Qatar… thực hiện. Các hãng hàng không của Việt Nam chỉ việc làm nhiệm vụ chuyên chở lượng khách này về nước, sau đó khách được đưa vào khu cách ly đã được book sẵn. Vé charter combo bao gồm cả chặng bay từ “gốc đến ngọn” đó.

Chuyến bay charter (kế hoạch tháng 4/2021 của nhóm tổ chức đầu tiên) từ Bắc Mỹ về Việt Nam có giá combo bao gồm vé + 14 ngày cách ly tại resort + xét nghiệm covid khoảng 60 triệu đồng (nhưng bị đổ bể vào sát ngày bay); các chuyến bay charter tiếp theo, cũng từ Bắc Mỹ về Việt Nam, do các doanh nghiệp khác tổ chức có giá từ 89 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng, combo gồm vé + 7 ngày cách ly + xét nghiệm covid. Đưa hai loại giá + số ngày cách ly như vậy để bạn đọc thấy sự khác biệt lớn về giá cũng như quyền lực của nhà tổ chức.

Từ tháng 5 đến nay, ước tính đường bay Canada – Mỹ về Việt Nam mỗi tháng có khoảng 4-5 chuyến. Riêng trong tháng 12 có 4 chuyến thì đều đã full vé.

Gần đây có chuyến bay thẳng của Vietnam Airlines từ Việt Nam sang San Francisco đưa đón khách giữa hai đầu, tiếc rằng, giá vé đi thì vừa phải mà giá vé về vẫn ở trên trời.

Campuchia ơi, chúng tôi đã về đây

Biết nói gì khi con tim không thể không reo lên khi Campuchia đã mở cửa cho khách du lịch từ ngày 15/11.

Cái khó ló cái khôn! Cả triệu người Việt Nam ở hải ngoại đang rập rình chờ chính phủ trong nước mở cửa để trở về nhà. Sau khi thông tin Campuchia mở cửa tràn ngập các trang báo, ngay lập tức trên mạng xã hội đã xuất hiện group chỉ đường về Việt Nam qua ngả Cam. Group lớn mạnh với tốc độ Thánh Gióng, chưa đầy tháng đã có hơn 10 ngàn thành viên. Nhóm đi trước chia sẻ kinh nghiệm cho nhóm đi sau. Đường về nhà tuy khúc khuỷu đôi chút nhưng vẫn nhẹ nhàng hơn nhiều so với sự tưởng tượng của mọi người. Chi phí cho hành trình trở về nhà chỉ bằng 1/3, 1/4 hoặc đắt lắm là ½ so với các chuyến bay charter.

Chính phủ của Thủ tướng Hunxen đã có bước đi phải nói là rất tự tin và quyết liệt khi mở tung cánh cửa hàng không ra thế giới. Đến nỗi, về đến Campuchia, đi lại trên phố mà tưởng như vẫn đang ở Mỹ, Canada… Chỉ cần chìa ra giấy chứng nhận đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, xét nghiệp PCR âm tính 72 giờ trước khi bay là đã có thể vào được nước bạn, tung tăng đi lại như đang dạo chơi trên đường phố ở Mỹ.

Vé bay từ các châu lục về Campuchia tăng giá từng ngày. Sau ngày 15/11, thời điểm Campuchia vừa mở cửa, giá cho 1 vé từ Mỹ về Cam chỉ 500 USD (11,5 triệu đồng), từ Canada 600 - 700 CAD (khoảng 12 triệu đồng), nay giá đã lên tới 1.500 USD và 1.800 CAD (khoảng 34 triệu đồng). Các khách sạn ở Phnom penh những ngày này dập dìu khách Việt. Cửa khẩu Bavet (thuộc Campuchia) và Mộc Bài (thuộc Việt Nam) rộn ràng, rôm rả. Tiền tip bằng đô la Mỹ, từ 5 đô, 10 đô đến 30 đô… được ví như mưa rào. Ta vui và bạn cũng vui!

Máy bay Boeing 787-9 Dreamliner của Vietnam Airlines tại sân bay San Francisco. Ảnh: Người Lao động
Máy bay Boeing 787-9 Dreamliner của Vietnam Airlines tại sân bay San Francisco. Ảnh: Người Lao động

Chi phí cho việc book khách sạn ở Phnom penh phổ biến giá 18 USD/ đêm. Chi phí cho việc thuê xe từ Phnom penh đến cửa khẩu Bavet – thường thì các nhóm thuê chung và chia nhau khoảng vài trăm ngàn/ người. Rồi thì khách sạn 4 sao cách ly tại Tây Ninh 1,2 triệu đồng/ đêm cho phòng 1 người, bao gồm 3 bữa ăn trong ngày. Thêm phí test covid, phí thuê xe từ Tây Ninh về nhà… Tổng kết lại: Chi phí cho hành trình về nhà, mượn đường qua nước bạn Campuchia – một cách đàng hoàng, hợp pháp…, trong thời buổi dịch giã này còn rẻ chán so với các chặng bay đang thịnh hành.

“Con khóc rát ruột để mẹ còn cho bú”

Báo chí gần đây đã có tiếng nói mạnh mẽ hơn về việc cần thiết phải mở cửa hàng không quốc tế. Sau cuộc Tọa đàm về du lịch ngày 7/12 do báo Thanh Niên tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh với những ý kiến nghiêm túc và khẩn thiết của các chuyên gia kinh tế gửi tới chính phủ và các bộ, ngành, làn sóng kêu gọi mở cửa lại càng dâng lên mạnh mẽ trên các trang báo và mạng xã hội. Đặc biệt, sau cuộc họp của Phó Thủ tướng chính phủ Vũ Đức Đam với đại diện các bộ, ngành vào ngày 8/12 về việc mở cửa hàng không quốc tế thì những tiếng nói trong dư luận lại càng sôi nổi hơn nữa.

Theo VnExpress.net, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, dù mầm bệnh trong cộng đồng nhiều, số ca nhiễm cao, nhưng Việt Nam đang cơ bản kiểm soát được dịch bệnh; tỷ lệ tiêm vaccine tăng nhanh; tập trung kiểm soát ca bệnh nặng và tử vong. Ông nhấn mạnh đến việc cần đặc biệt lưu ý nhu cầu của công dân Việt Nam đi lao động, học tập, công tác, thăm thân nhân bị mắc kẹt lại nước ngoài do dịch; người Việt Nam định cư ở nước ngoài cùng những người thân "được hưởng chế độ như người Việt Nam theo quy định". "Đây là nhu cầu rất chính đáng và chúng ta phải có trách nhiệm giải quyết rất khẩn trương, nhất là trong điều kiện Tết Nguyên Đán đang đến gần", Phó thủ tướng nói.

Đáng chú ý là những tiếng nói của các chuyên gia kinh tế về sự khẩn thiết phải mở cửa hàng không. Muốn phục hồi kinh tế thì phải phục hồi du lịch. Muốn phục hồi du lịch thì không còn cách nào khác là phải mở cửa hàng không. Mỹ, Canada… đã mở cửa mấy tháng qua. Các nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia, Singapore… cũng đã đón, đưa khách quốc tế cả hai chiều… Du lịch Việt được hy vọng là sẽ bật như lò xo sau khi mở cửa, nhưng nếu để nén lâu quá thì lò xo sẽ không còn sức mà bật lên được.

 Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch bày tỏ quan điểm một cách chắc nịch: “Nếu hàng không cứ bay charter như hiện nay thì đừng bàn mở cửa du lịch. Nếu đã mở du lịch, không thể sợ hãi mở hàng không, mở đường bay thương mại quốc tế”.

Các doanh nghiệp du lịch sau hai năm thiêm thiếp chỉ còn không nhiều năng lượng. Các doanh nghiệp ở mọi ngành kinh tế khác cũng đau đầu không kém vì bài toán nhân sự, đòn bẩy kinh tế và đầu vào đầu ra cho sản phẩm. Khi cả triệu con dân nước Việt ở hải ngoại bái bai với các chuyến charter bay để về nước trên các chuyến bay thương mại bình thường, những khó khăn chắc chắn sẽ dần được tháo gỡ.

“Nếu hàng không cứ bay charter như hiện nay thì đừng bàn mở cửa du lịch. Nếu đã mở du lịch, không thể sợ hãi mở hàng không, mở đường bay thương mại quốc tế”.

(Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch)

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...