Theo Nghị quyết số 112, HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – mã: EIB) đã tiến hành họp và thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc và bầu thay thế bà Lương Thị Cẩm Tú, Thành viên HĐQT nắm giữ vị trí Chủ tịch.
Tuy nhiên, ngày 22/3/2019 ông Lê Minh Quốc đã có Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc tranh chấp thành viên công ty đối với 7 cá nhân là thành viên HĐQT và ngân hàng Eximbank (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan).
Các thành viên HĐQT này gồm: ông Đặng Anh Mai, Lê Văn Quyết, Lương Thị Cẩm Tú, Cao Xuân Ninh, Hoàng Tuấn Khải, Yasuhiro Saitoh, Yutaka Moriwaki.
Theo đó, Toà án nhân dân TP.HCM sau khi xem xét các chứng cứ liên quan, toà án đã quyết định “Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” buộc các bị đơn phải “tạm dừng thực hiện Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT ngày 22/3/2019 của HĐQT Eximbank cho đến khi giải quyết xong vụ án”.
Trích điều 48 Điều lệ của Eximbank cho biết, “Cuộc họp HĐQT được tiến hành khi có từ 3/4 tổng số thành viên trở lên dự họp. Trường hợp không trực tiếp dự họp, thành viên HĐQT có quyền uỷ quyền biểu quyết cho một thành viên HĐQT khác hoặc gửi ý kiến biểu quyết bằng văn bản. Trường hợp biểu quyết bằng văn bản, phiếu biểu quyết phải đựng trong phong bì kín và phải được chuyển đến chủ toạ cuộc họp HĐQT chậm nhất 01 giờ trước giờ khai mạc. Phiếu biểu quyết phải được mở trước sự chứng kiến của tất cả những thành viên trực tiếp dự họp”.
Đến trước cuộc họp HĐQT ngày 22/3/2019, cơ cấu Thành viên HĐQT Eximbank vẫn giữ nguyên số lượng là 10 người. Căn cứ theo Điều 48, Điều lệ Eximbank có thể hiểu rằng cuộc họp HĐQT ngày 22/3/2019 do nhóm cổ đông triệu tập phải đảm bảo cần tối thiểu 8 người tham dự hoặc uỷ quyền tham dự/biểu quyết văn bản để đảm bảo cuộc họp diễn ra hợp lệ.
Cũng theo điều lệ của Eximbank, quyết định của HĐQT được thông qua nếu được đa số phiếu tán thành, bao gồm cả phiếu biểu quyết bằng văn bản và biểu quyết theo uỷ quyền, trường hợp số phiếu ngang nhau thì quyết định cuối cùng thuộc về phía có ý kiến của người chủ toạ cuộc họp”.
Theo đó, quyết định miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT đối với Lê Minh Quốc và bầu bà Lương Thị Cẩm Tú là Chủ tịch mới cần phải đảm bảo có từ 51% số lượng phiếu biểu quyết tán thành.
Do đó, Toà án sẽ cần xem xét tính hợp lệ, hợp pháp của cuộc họp HĐQT ngày 22/3/2019 có tuân thủ Điều lệ Eximbank.
Trước đó, ông Lê Minh Quốc đã có chia sẻ với báo chí về việc cuộc họp trên được tiến hành trái quy định. Theo lời ông Lê Minh Quốc, ngày 11/3, ông đã có đơn xin cứu xét, phản ánh tình hình bất ổn trong HĐQT Eximbank gửi Ngân hàng Nhà nước xin can thiệp "khẩn cấp và triệt để". Ngày 19/3, ông nhận được email từ Văn phòng HĐQT gửi tài liệu kèm thư triệu tập phiên họp HĐQT ngày 22/3 (thư đề ngày 15/3/2019 và do 5 thành viên HĐQT ký).
Cũng trong ngày này, ông đã nhận được văn bản của Chánh Thanh tra, Giám sát Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Chủ tịch HĐQT, HĐQT Eximbank gửi toàn bộ hồ sơ tài liệu (liên quan đến nội dung của đơn cứu xét ông Quốc đã gửi từ ngày 11/3) về cơ quan này để được xem xét và giải quyết.
Do vậy, ngày 20/3, ông có văn bản yêu cầu không thực hiện cuộc họp HĐQT vào 22/3 do nhóm 5 thành viên HĐQT triệu tập nhưng cuộc họp vẫn diễn ra thông qua việc bãi nhiệm ông Quốc và bầu bà Tú đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT. "Hành động này là trái với điều lệ Eximbank, gây bất ổn trong HĐQT ngân hàng", ông Quốc cho biết.
Tối 25/3, Eximbank đã phát đi thông cáo phủ nhận cáo buộc trên của ông Lê Minh Quốc và khẳng định, việc HĐQT Eximbank tổ chức phiên họp ngày 22/3 để bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú là theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp và theo điều lệ Eximbank.
HĐQT cũng đã có văn bản báo cáo cơ quan chức năng, NHNN và thực hiện việc công bố thông tin theo đúng quy định của UBCKNN về việc bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT mới.
Thời gian qua, nhân sự cấp cao luôn là điểm nóng của Eximbank. Trên sàn chứng khoán, chỉ trong chưa tới ba tháng, từ cuối tháng 12/2018 đến nay, cổ phiếu EIB của Eximbank đã tăng gần 25%, đi ngược với xu hướng chung của thị trường. Cùng với đó là những phiên giao dịch với khối lượng thỏa thuận cao đột biến.
Thanh khoản trên thị trường khớp lệnh của cổ phiếu EIB chỉ vài trăm nghìn đơn vị mỗi phiên nhưng lượng cổ phiếu được trao tay trên thị trường thỏa thuận thường trực trên vài triệu đơn vị, cá biệt có những phiên đạt gần 30 triệu cổ phiếu được giao dịch. Từ đầu năm đến nay đã có gần 195 triệu cổ phiếu EIB được giao dịch qua phương thức thỏa thuận, tương đương với 20% cổ phần của Eximbank đang được lưu hành.