Đó là chia sẻ của ông Arghya Mandal - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sữa TH, đại diện Tập đoàn TH tại hội thảo “Net Zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội cho người dẫn đầu" do VTV tổ chức sáng nay 27/6/2023 tại Hà Nội.
Đại diện Tập đoàn TH, ông Arghya Mandal (thứ hai từ phải sang) chia sẻ tại Hội thảo về Net Zero
Hiện đã có khoảng 140 quốc gia, tương đương gần 90% tổng lượng phát thải trên toàn cầu, gồm các nước phát thải lớn như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu Net Zero - phát thải ròng khí nhà kính bằng 0. Mỗi quốc gia tự đặt ra mốc thời gian để đạt mục tiêu này, phần lớn vào năm 2050, một số ít vào năm 2035 và muộn nhất vào năm 2070.
Tháng 11/2021, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu COP26, Việt Nam cũng đã đặt mục tiêu phát thải carbon ròng bằng không 0 vào năm 2050. Điều này được nhấn mạnh lại ở COP27 vừa qua với thông điệp “Cam kết đi đôi với Hành động”.
Như vậy, việc thực hiện mục tiêu Net Zero đã không còn là câu chuyện của riêng ai, mà là sứ mệnh của tất cả các quốc gia, các doanh nghiệp và mỗi người dân.
Không nằm ngoài dòng chảy chung đó, song thực tế tại Tập đoàn TH (đơn vị sở hữu thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK), không phải đến tận bây giờ mà chiến lược kinh tế xanh đã được thực thi bền bỉ từ khi khởi dựng vào năm 2009. TH không chỉ là doanh nghiệp tiên phong mà còn “đón đầu” xu hướng phát triển xanh, phát triển bền vững, thực hành kinh tế tuần hoàn - mô hình hiệu quả giúp đạt tăng trưởng xanh và có ý nghĩa quan trọng đối với các mục tiêu như giảm phát thải, trung hòa carbon thay thậm chí là “Net Zero”.
Một góc trang trại bò sữa TH tại Nghệ An
Ngay từ khi thành lập, TH đã lấy tôn chỉ “Trân quý Mẹ Thiên nhiên, Người sẽ cho mình tất thảy” làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh trên toàn chuỗi khép kín từ đồng cỏ đến ly sữa. Nhà sáng lập Tập đoàn, Anh hùng Lao động Thái Hương khẳng định: “Chúng tôi thực hiện phát triển bền vững với sự tôn nghiêm và coi đó là kim chỉ nam để TH tồn tại mãi mãi cùng thời gian, được thế giới thừa nhận và tôn vinh đạt chuẩn quốc tế phát triển bền vững với 6 trụ cột bao gồm: Dinh dưỡng và sức khỏe, Môi trường, Con người, Giáo dục, Cộng đồng và Phúc lợi động vật”.
Những dự án đầu tư của TH từ sữa tươi sạch đến các sản phẩm đồ uống tốt cho sức khỏe, nước tinh khiết, đồ uống thảo dược, thực phẩm sạch và hữu cơ đều tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao, với khoa học công nghệ và khoa học quản trị đan xen vào nhau, tạo ra những sản phẩm hàng hóa trong nông nghiệp với sản lượng và chất lượng đột phá theo chiều hướng phát triển bền vững và có lợi cho sức khỏe.
Song song với mục tiêu phát triển kinh tế, TH đầu tư chiến lược cho các hoạt động bảo vệ môi trường và đạt thành quả ở nhiều lĩnh vực: xử lý chất thải và nước thải, sản xuất năng lượng sạch, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu rác thải, đẩy mạnh các giải pháp tiêu dùng thân thiện với môi trường, lan tỏa và khuyến khích lối sống “xanh” hơn...
“Được biết đến là một doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi khép kín, chúng tôi đã thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động môi trường trong từng khâu sản xuất và toàn chuỗi cung ứng. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho TH trong việc dẫn đầu xu thế phát triển bền vững, sản phẩm đạt chất lượng quốc tế và tạo dấu ấn cho thương hiệu của chúng tôi” - Ông Arghya Mandal chia sẻ bên lề hội thảo về Net Zero.
Điện mặt trời trên các mái trang trại TH giúp thu hồi gần 5.000 tấn CO2 mỗi năm
Theo thông tin từ vị đại diện này, nhờ sự kiên trì, sáng tạo và nỗ lực không ngừng, doanh nghiệp đã đạt những thành tựu đáng kể. Trong năm 2022 phát thải carbon trực tiếp và gián tiếp nhà máy TH ở Nghĩa Đàn đã giảm xuống chỉ còn 0,1 kg CO2/sản phẩm, mức thấp vượt trội so với kết quả giảm phát thải của các nhà máy sữa ở Việt Nam và Đông Nam Á. Tổng phát thải CO2 trực tiếp và gián tiếp (scope 1,2) trên một đơn vị sản phẩm tại các nhà máy, trang trại TH giảm trung bình hơn 20% trong năm vừa qua.
Việc chuyển đổi từ việc sử dụng dầu FO (nhiên liệu hóa thạch) sang nhiên liệu sinh khối (đốt gỗ dăm phụ phẩm từ ngành công nghiệp chế biến gỗ) tại nhà máy giúp giảm hơn 85% tổng phát thải khí nhà kính so với năm 2021.
Hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái các nhà máy và trang trại TH tại Nghệ An, Phú Yên đã giúp thu hồi gần 5.000 tấn CO2 mỗi năm.
Nhiều cách làm sáng tạo được triển khai tại Tập đoàn TH, chẳng hạn tất cả đèn chiếu sáng trong trang trại và nhà máy đều được chuyển đổi sang đèn LED. Riêng việc này đã giúp tiết kiệm 5.000.000 kWh điện, tương đương giảm xấp xỉ 4.000 tấn CO2/năm. Sáng kiến đã nhận được Giải Khuyến khích về tiết kiệm năng lượng và Giải thưởng Người quản lý năng lượng tốt từ Bộ Khoa học Công nghệ.
Tập đoàn TH chung tay “vá rừng” tại xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, tháng 5/2023
Ngoài cắt giảm, Tập đoàn TH cũng tập trung vào việc triển khai các dự án hấp thu carbon. Mỗi năm, TH không chỉ phủ xanh các trang trại, nhà máy của mình mà còn trao tặng cây xanh cho các địa phương và phối hợp với các tổ chức phi chính phủ để triển khai các dự án trồng rừng. Tầm nhìn phát triển đến 2025, Tập đoàn TH dự kiến trồng 10.000 cây xanh/năm với tỷ lệ sống và phát triển được đảm bảo ở mức 90% số lượng cây được trồng mới.
Qua chia sẻ của các vị khách mời, đặc biệt là lãnh đạo các bộ ngành tại hội thảo về Net Zero, có thể thấy, hàng loạt chính sách về tăng trưởng xanh đã bắt đầu hình thành và ngày càng rõ nét hơn, đặc biệt kể từ tháng 6/2023. Bên cạnh Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh và Quy hoạch Điện VIII, một loạt chính sách mang tính “đòn bẩy” khác đang được dự thảo hoặc trong quá trình xây dựng như Quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; Bộ tiêu chí khoa học về phân loại xanh quốc gia; Đề án xây dựng thị trường giao dịch tín chỉ carbon,....
“Chúng tôi hy vọng Chính phủ sẽ có thêm nhiều cơ chế chính sách nhằm ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các sáng kiến Net Zero, đồng thời tăng cường hướng dẫn, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường” – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa TH đề xuất.
Tường Anh