Thách thức mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020

Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và cạnh tranh, thời điểm 2020 đến gần nhưng mục tiêu 1 triệu DN hoạt động vẫn còn xa…
Thách thức mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020

Thời gian thành lập doanh nghiệp: Chỉ sau Singapore và Thái Lan

TS Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh (ĐKKD), Bộ KH&ĐT cho biết, theo quy định của Luật DN, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký DN là tối đa 03 ngày làm việc. Trên thực tế, theo thống kê từ Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN, thời gian trung bình để các tỉnh cấp đăng ký DN là 2,9 ngày làm việc; trong đó có trên 40 tỉnh thực hiện dưới 02 ngày. Theo dữ liệu tại Báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới, xét về thời gian thực hiện thủ tục đăng ký thành lập DN, trong khu vực Đông Nam Á, nước ta chỉ đứng sau Singapore (0,5 ngày) và Thái Lan (2,5 ngày).

Bên cạnh đó, công nghệ thông tin được ứng dụng triệt để trong lĩnh vực ĐKKD đã giúp cho việc đăng ký thành lập DN trở nên thuận lợi hơn. Theo thống kê, tính đến ngày 30/5/2018, tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng điện tử của cả nước đạt 58,44% (năm 2017 đạt 45,8%), riêng TP Hà Nội đạt 99,66% và TP HCM đạt 62,18%; vượt xa các chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết 36a/NQ-CP. Đồng thời, kể từ ngày 20/01/2018, lệ phí đăng ký DN đã được giảm 50% so với quy định trước đây (từ 200.000 đồng xuống còn 100.000 đồng) và miễn 100% nếu DN đăng ký qua mạng điện tử.

Tuy nhiên, người đứng đầu Cơ quan ĐKKD cũng thừa nhận, chỉ số khởi sự DN (bao gồm cả làm con dấu DN, thông báo mẫu dấu với cơ quan ĐKKD, mở tài khoản ngân hàng, mua hóa đơn VAT, nộp thuế môn bài, đăng ký lao động, BHXH…) cần nỗ lực hơn, cần sự phối hợp chặt chặt chẽ của các ngành như ngân hàng, tài chính, công an, BHXH…

Đạt hay không đạt?

Đưa ra câu hỏi: “Liệu chúng ta có đạt được mục tiêu 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020?”, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh: “1 triệu DN hoạt động có hiệu quả chứ không phải 1 triệu DN thành lập”.

Về phía cơ quan ĐKKD, Cục trưởng Cục ĐKKD, TS Trần Thị Hồng Minh tỏ ra rất lạc quan và nhấn mạnh, thành tích của cơ quan ĐKKD không phải số DN đăng ký thành lập cao mà số DN đang hoạt động. Bà Minh dẫn chứng, trong số 127 nghìn DN thành lập trong năm 2017, hiện còn 87% số DN đang hoạt động. Theo bà Minh, vấn đề là làm thế nào để DN gia nhập thị trường, giải quyết những khó khăn, tồn tại của DN để số DN này đóng góp cho con số 1 triệu DN đang hoạt động…

Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn cũng tự tin cho rằng mục tiêu này là khả thi vì trong số 2 triệu hộ kinh doanh có một bộ phận chuyển đổi lên DN cùng với số DN thành lập mới là có thể đảm bảo mục tiêu. “Vướng nhất của chuyển đổi là khuôn khổ pháp luật, ví dụ hộ kinh doanh lên DN liên quan đến thuế, kế toán, chưa kể lên DN bị thanh tra, kiểm tra nhiều hơn… Theo tôi, phải có chế độ kế toán riêng cho DN siêu nhỏ…”- ông Tuấn đề xuất.

Thận trọng hơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế TW (CIEM) cho rằng “Khó đạt được!” và cho biết, ông không tính đến việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN.

Nhẩm tính từ nay đến đích 2020 chỉ còn 2 năm rưỡi nữa, với số DN hiện tại khoảng 600 DN. Trung bình nỗi năm thành lập mới khoảng 120 nghìn DN (năm 2017 là 127 nghìn DN), Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và cạnh tranh, TS Võ Trí Thành lo ngại: “Đây là thách thức rất lớn!” để hoàn thành mục tiêu.

Theo Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh…

Theo thống kê từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN, trong các năm 2016, 2017, tình hình DN thành lập mới đã liên tiếp đạt kỷ lục về cả số lượng DN và số vốn đăng ký, cụ thể, năm 2016 có hơn 110 nghìn DN với số vốn đăng ký là 891.094 tỷ đồng, năm 2017 có gần 127 nghìn DN với số vốn đăng ký là 1.295.911 tỷ đồng.

Trong 5 tháng đầu năm 2018 có 52.322 DN mới, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2016; trong khi đó, số lượng DN quay trở lại hoạt động, DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và DN đã hoàn tất thủ tục giải thể không có nhiều biến động.

Tỷ lệ số DN rút lui khỏi thị trường trên số DN gia nhập thị trường trong các năm 2016, 2017 lần lượt là 47,4% và 53,5%, nằm trong giới hạn thông thường so với một số quốc gia khác trên thế giới.

Theo đánh giá của VCCI, trong 12 năm liền chỉ số gia nhập thị trường liên tục đạt điểm cao nhất trong các báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Theo Báo Pháp luật

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...