Thận trọng với sức ép tỷ giá khi Fed tăng lãi suất

VND được đánh giá là đồng tiền có tính ổn định nhất trong khu vực thời gian qua, tuy nhiên, theo các chuyên gia ngân hàng, vẫn cần thận trọng với sức ép tỷ giá khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiế
Thận trọng với sức ép tỷ giá khi Fed tăng lãi suất

Thanh khoản, lãi suất USD tiếp tục ổn định...

Tỷ giá USD/VND trung tâm trong tháng 10 gần như không thay đổi, chỉ được điều chỉnh tăng nhẹ 1 điểm so với cuối tháng 9, mức thay đổi theo tháng thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Như vậy, lũy kế từ đầu năm tới nay, chỉ số này đã tăng 312 điểm.

Đồng thời, trong tháng 10, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những điều chỉnh liên quan đến chính sách mua ngoại tệ (giảm nhẹ tỷ giá mua vào 15 điểm và áp dụng mua ngoại tệ theo 3 kỳ hạn giao ngay, kỳ hạn 1 tuần, kỳ hạn 2 tuần), giúp giải tỏa nguồn ngoại tệ “ứ đọng” trên trạng thái của hệ thống ngân hàng. Giám đốc tiền tệ một ngân hàng cho biết, ước tính Ngân hàng Nhà nước đã mua vào một lượng lớn ngoại tệ khoảng 1,3 - 1,4 tỷ USD trong tháng 10.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cấp cao của BIDV nhận định, thanh khoản trên thị trường ngoại tệ trong tháng 11 vẫn duy trì ổn định. Mặt bằng lãi suất trong xu hướng đi ngang, dao động trong khoảng 1,3 - 1,4%/năm kỳ hạn qua đêm đến 1 tuần.

Các yếu tố tác động chính đến diễn biến này bao gồm: Huy động vốn ngoại tệ dự báo vẫn gia tăng khá tốt trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ vào trong nước dồi dào; trong khi đó, tín dụng ngoại tệ đang cho thấy tốc độ tăng trưởng yếu trong khoảng 2 - 3 tháng gần đây và dự kiến sẽ không tăng mạnh do Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động cho vay ngoại tệ trong tương quan cân đối nguồn vốn. Do vậy, chênh lệch huy động vốn - tín dụng ngoại tệ tiếp tục duy trì ở mức cao.

Dự báo, thị trường ngoại hối sẽ có tháng 11 ổn định nhất trong vòng 3 năm gần đây. Theo đánh giá của BIDV, các yếu tố hỗ trợ xu hướng ổn định của tỷ giá vẫn duy trì khá mạnh mẽ tại thời điểm này. Thứ nhất, dòng tiền từ giải ngân FDI dự báo duy trì tích cực trong tháng 11 trong bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều chuyển dịch tích cực và Chính phủ chú trọng cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút dòng vốn nước ngoài, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước.

Dự kiến, FDI giải ngân trong tháng 11 ở mức tương đương tháng 10, vào khoảng 1,6 - 1,8 tỷ USD. Đáng chú ý, trong tháng 11, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) có kế hoạch bán tiếp 3,33% vốn điều lệ của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), tương đương khoảng 300 triệu USD.

Thứ hai, cán cân thương mại nhiều khả năng tiếp tục thặng dư trong tháng 11. Mặc dù nhu cầu nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước có thể gia tăng để đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh cuối năm, nhưng tương ứng xuất khẩu của khối doanh nghiệp nước ngoài sẽ tăng trưởng tốt.

Theo đó, cán cân thương mại có thể thặng dư khoảng 300 triệu USD. Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành theo hướng linh hoạt, chủ động, hạn chế các hành vi đầu cơ nắm giữ, cũng như giữ vai trò bình ổn thị trường trong các giai đoạn biến động mạnh.

Một lãnh đạo cao cấp TPBank cho biết, riêng trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào được hơn 600 triệu USD từ các tổ chức tín dụng.

… nhưng vẫn cần thận trọng

Một nghiên cứu của BIDV nhận định, lãi suất USD liên ngân hàng trong tháng 11 chịu tác động bởi các yếu tố tăng giảm đan xen, trong đó yếu tố hỗ trợ thanh khoản thị trường vẫn chiếm xu thế chủ đạo. Cụ thể, nguồn cung ngoại tệ duy trì ổn định khi chênh lệch huy động vốn - tín dụng ngoại tệ trong giai đoạn này mở rộng nhẹ khoảng 0,2 tỷ USD, do huy động vốn tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn so tín dụng ngoại tệ.

Đồng thời, lãi suất LIBOR trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng nhẹ khoảng 0,05 - 0,2% ở các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên kể từ sau phiên họp của Fed ngày 15/9 do kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất trong phiên họp tháng 12.

“Áp lực đối với lãi suất USD liên ngân hàng sẽ đến từ xu hướng tăng của lãi suất USD quốc tế dự báo tiếp tục đi lên trong tháng 11 do xác suất tăng thêm lãi suất cơ bản của Fed trong phiên họp tháng 12 đã tăng lên mức 82% so với mức 70% cuối tháng 9/2017”, Nghiên cứu của BIDV dự báo.

Ngân hàng Standard Chartered dự đoán Fed tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 12/2017 và dự báo giá vàng nhiều khả năng sẽ đối mặt với nguy cơ đi xuống trong ngắn hạn.

Một chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, vẫn còn một số yếu tố có khả năng tạo ra rủi ro tăng đối với tỷ giá, mặc dù chưa đáng lo ngại. Ví dụ, chỉ số DXY dự kiến tăng trong tháng 11 khi thời điểm nâng lãi suất dự kiến (tháng 12) của Fed đến gần.

Chỉ số DXY đo lường sức mạnh chung của USD trong tháng tăng khoảng 1,6% lên mức 94,8 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi Fed nâng lãi suất tháng 12 này cũng như Chính phủ Mỹ triển khai gói nới lỏng tài khóa thông qua việc giảm thuế.

USD gia tăng trên thị trường quốc tế gây áp lực gián tiếp lên tỷ giá USD/VND tại thị trường trong nước. Bên cạnh đó, lãi suất USD tiếp tục cao hơn lãi suất VND ở các kỳ hạn ngắn qua đêm - 1 tuần làm giảm chi phí nắm giữ, cùng tỷ giá thị trường tự do tăng 50 - 80 đồng cũng làm tăng áp lực lên tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng.

“Bên cạnh đó, nếu USD trên thị trường quốc tế tăng mạnh thì có thể làm nới rộng mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, tạo áp lực đối với tỷ giá trên thị trường tự do. Ngoài ra, yếu tố tâm lý thị trường cũng có xu hướng thận trọng hơn vào giai đoạn cuối năm”, vị chuyên gia kinh tế nhận định.

Ngay trong tuần từ 13-17/11, Nghiên cứu của BIDV đã dự báo USD tăng giá trở lại khi thời điểm Fed nâng lãi suất, dự kiến diễn ra trong phiên họp tháng 12 tới và cũng là phiên họp cuối cùng trong năm của Fed, đang đến gần. Trong khi đó, EUR và JPY có thể giảm giá nhẹ trở lại do áp lực đến từ đồng USD gia tăng sức mạnh, cũng như chênh lệch lãi suất làm USD trở nên hấp dẫn hơn…

Khảo sát của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, lãi suất cho vay USD ngày 20/11 tăng nhẹ tại kỳ hạn 1 tuần và đi ngang tại các kỳ hạn dài hơn. Cụ thể: kỳ hạn 1 tuần tăng 0,1% lên mức 1,6%/năm, kỳ hạn 2 tuần đi ngang ở mức 1,7%/năm, kỳ hạn 3 tuần ở mức 1,8%/năm, kỳ hạn 1 tháng ở mức 2%/năm.

Lãi suất USD duy trì ở mức cao, kỳ hạn 1 ngày - 1 tuần ở mức tương ứng 1,3 - 1,5%/năm, kỳ hạn 2 tuần - 1 tháng ở mức tương ứng 1,6 - 2,1%/năm. Lãi suất USD tại một số định chế nước ngoài phổ biến ở mức 1 tháng là 1,9%/năm, 3 tháng là 2,2%/năm, 1 năm là 2,6%/năm; 3 năm là 4,5 - 4,6%/năm; 5 năm 4,7 - 4,75%/năm.

Ông Lê Minh Hưng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Việt Nam đã rất thành công trong việc neo giữ tâm lý kỳ vọng về lạm phát và về tỷ giá, nhưng chúng ta không được chủ quan trước ảnh hưởng, tác động của tâm lý đối với diễn biến của thị trường. Trong quá trình hoạch định và điều hành tỷ giá, chúng tôi luôn tính đến những yếu tố đó, kể cả về mặt định tính và định lượng trong việc hoạch định chính sách tỷ giá.

Tổng dự trữ ngoại hối của chúng ta đến nay đã cao hơn 46 tỷ USD. Thị trường ngoại hối ổn định, các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế đều được đáp ứng đầy đủ, giữ được sự ổn định tỷ giá là yếu tố then chốt trong việc củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài và điều hành của Chính phủ, qua đó thu hút được các nguồn vốn đầu tư. Cho nên, trong công tác điều hành tỷ giá nói chung, chúng tôi đều tính toán các yếu tố, trong đó có lĩnh vực xuất khẩu. Nhờ sự ổn định của tỷ giá, trong 10 tháng đầu năm xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, đến nay, chúng ta đã xuất siêu khoảng 2,8 tỷ USD. Đây là kết quả tích cực.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức trong điều hành tỷ giá cũng như các chính sách khác của chính sách tiền tệ thì phải linh hoạt và chủ động. Chủ động ứng phó được trước những biến động bất ngờ của thị trường quốc tế và khu vực để tác động vào nền kinh tế của nước ta, cũng như tác động vào các chính sách vĩ mô. Chúng tôi tin rằng, với quy mô dự trữ ngoại hối, với khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có chính sách tỷ giá, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động ứng phó được những biến động của khu vực và quốc tế.


Nhuệ Mẫn / tinnhanhchungkhoan.vn

Có thể bạn quan tâm