Tháng 3/2023: CPI giảm, tổng mức bán lẻ tăng so với tháng trước

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 3 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm. Trong khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,0% so với tháng 2/2023...
bán lẻ

Theo Tổng Cục Thống kê, giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; giá xăng dầu, giá gas giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 giảm 0,23% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 3,35%.

Tuy nhiên, khi tính trung bình quý 1/2023, CPI vẫn tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản tăng 5,01%.

Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 6 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước; 5 nhóm hàng tăng giá.

Sáu nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm nhóm giáo dục giảm mạnh nhất với 1,71%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,58%; nhóm giao thông giảm 0,16%; nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,05%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,02%.

Có năm nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,36%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,21; hóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,13%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,06%.

Về lạm phát cơ bản tháng 3 tăng 0,22% so với tháng trước, tăng 4,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý 1/2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,18%).

Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước quý 1/2023 giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Đối với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, trong tháng Ba tăng 2% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có đóng góp tích cực của ngành du lịch.

Tổng mức bán lẻ

Tính chung quý 1/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 28,4% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 119,8%.

Theo đó, kết quả này phản ánh hiệu quả của chính sách mở cửa từ ngày 15/3/2022 sau đại dịch Covid-19 cũng như việc thúc đẩy xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới và kích cầu nội địa trong thời gian qua.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Ba ước đạt 501,3 nghìn tỷ đồng. Tính chung quý 1/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.505,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 10,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 2%).

Doanh thu bán lẻ hàng hóa quý 1/2023 ước đạt 1.187,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.

Xét về địa phương, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý 1/2023 so với cùng kỳ năm trước như sau Đà Nẵng tăng 17,6%; Hải Phòng tăng 14%; Đồng Nai tăng 13,9%; Quảng Ninh tăng 12,5%; Hà Nội tăng 12,2%; Bình Dương tăng 10,8%; Long An và Thành phố Hồ Chí Minh cùng tăng 9,1%, Đồng Tháp tăng 7,1%; Tiền Giang tăng 5,6%; Khánh Hòa tăng 2,8%.

Về doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý 1/2023 ước đạt 161,1 nghìn tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 6,8 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước do các hoạt động văn hóa, du lịch những tháng đầu năm diễn ra sôi nổi tại nhiều địa phương trong khi cùng kỳ năm trước không tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cuối cùng doanh thu dịch vụ khác quý 1/2023 ước đạt 150,2 nghìn tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Có thể bạn quan tâm