Thành phố Thủ Đức là điểm nóng nhất về khiếu kiện liên quan đến đất đai

Ngoài việc là bị đơn của khoảng 400 vụ kiện, TP.Thủ Đức còn dẫn đầu về số vụ khiếu nại, tố cáo. Cụ thể, cứ 10 vụ tại TP.HCM thì Thủ Đức chiếm tới 4 vụ, tương ứng tỷ lệ 40%.
Cứ 10 vụ khiếu nại, tố cao tại TP.HCM thì TP.Thủ Đức chiếm đến 4 vụ
Cứ 10 vụ khiếu nại, tố cao tại TP.HCM thì TP.Thủ Đức chiếm đến 4 vụ

Mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM giám sát tại TP.Thủ Đức về việc thực hiện quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian từ 1/7/2016 đến 1/7/2021.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức cho biết: Hiện Thủ Đức đang là bị đơn của khoảng 400 vụ kiện khác nhau gồm các vụ kiện UBND và Chủ tịch UBND các thời kỳ.

TP.Thủ Đức cũng dẫn đầu tại TP.HCM về các vụ khiếu nại, tố cáo, chủ yếu liên quan đến đất đai. Cụ thể cứ trung bình cứ 10 vụ tại TP.HCM thì Thủ Đức chiếm đến 4 vụ, tương đương với tỷ lệ là 40%.

Một trong những “điểm nóng” dẫn đến nhiều vụ việc khiếu nại phức tạp, đông người, kéo dài là Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dù đã được Thanh tra Chính phủ ban hành 2 bản kết luận từ năm 2018 đến nay, vụ việc vẫn chưa tìm ra hướng xử lý dứt điểm.

Cụ thể, năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận 1483 về việc xác định một phần đất 4,3ha trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã bị thu hồi chưa đúng quy định. Sau bản kết luận đầu tiên, TP.HCM đã tổ chức khắc phục, trả lại quyền lợi hợp pháp cho 331 hộ dân còn khiếu nại. Dự kiến, tháng 6/2022, việc giải quyết quyền lợi cho 331 trường hợp này mới hoàn tất.

Kết luận 1169 năm 2021 của Thanh tra Chính phủ tái khẳng định thửa đất các hộ dân thuộc tổ 5, khu phố 3, P.Thủ Thiêm còn khiếu nại là nằm trong ranh quy hoạch, thu hồi đất là đúng quy định. Tuy nhiên, các hộ dân không đồng tình nên TP.Thủ Đức kiến nghị đoàn công tác của Quốc hội cùng Thanh tra Chính phủ có buổi tiếp xúc chính thức với người dân để địa phương có cơ sở giải quyết.

Theo Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, hiện TP.HCM đã có dự thảo 10 nội dung liên quan đến các chính sách đối với người dân thuộc 5 khu phố, 3 phường của Thủ Thiêm. Vướng mắc còn lại là nguồn vốn giải quyết bổ sung cho 3.000 hộ dân với tổng kinh phí 1.400 tỉ đồng.

Đối với bản kết luận 1483 liên quan đến khu đất 4,3ha, 60% hộ dân tại đây đã đồng thuận. Hiện tại, UBND TP.Thủ Đức đang xem xét, giải quyết cho khoảng 12 hồ sơ còn lại liên quan đến vấn đề thừa kế và khiếu nại ranh đất.

Ngoài “điểm nóng” Thủ Thiêm, các khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo của các tổ chức, cá nhân tại TP.Thủ Đức tập trung vào khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai. Đây là những lĩnh vực khó do quá trình quản lý đất đai nhiều thời kỳ, mỗi giai đoạn có quy định khác nhau dẫn đến bất cập.

TP.Thủ Đức được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập vào cuối năm 2020 trên cơ sở sáp nhập 3 quận cũ là Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức. Ngày 01/01/2021, Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 chính thức có hiệu lực, Thủ Đức trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam thuộc loại hình đơn vị hành chính thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm