Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ chuyển đơn của bà Nguyễn Thị Thơm và một số công dân ở khu dân cư Bến Bính B, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng khiếu nại, tố cáo một số nội dung liên quan đến việc thu hồi đất thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, tại xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng.
Về việc này, Phó Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát các nội dung khiếu nại, tố cáo của bà Nguyễn Thị Thơm và một số công dân; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2019.
Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1131/QĐ-TTg, ngày 24/6/2016, nhằm tạo ra bước đột phá trong phát triển đô thị Hải Phòng.
Theo đó, dự án được đầu tư bao gồm: cầu Hoàng Văn Thụ, đê, kè sông Cấm, hệ thống giao thông chính và hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ toàn bộ khu vực Bắc sông Cấm với quy mô hơn 1.445 ha. Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án là 9.899 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố và các nguồn vốn hỗ trợ hợp pháp khác.
Dự án do Ban quản lý công trình xây dựng phát triển đô thị Hải Phòng làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án là 24 tháng.
Theo quy hoạch 1/2.000, Khu đô thị mới Bắc sông Cấm đến năm 2025 có quy mô diện tích 324 ha, dân số khoảng 17.500 người. Khu vực nghiên cứu quy hoạch nằm chủ yếu ở phía Bắc sông Cấm và một phần phía Nam sông Cấm thuộc các xã Hoa Động, Tân Dương, Dương Quan (huyện Thủy Nguyên); phường Minh Khai (quận Hồng Bàng) và phường Máy Tơ (quận Ngô Quyền).
Dự án xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật có vốn đầu tư 4.700 tỷ đồng, được quy hoạch gồm 4 khu chức năng chính theo trục Bắc - Nam và 3 khu chức năng phụ trợ. Trong đó, 4 khu chức năng chính gồm: khu hành chính - chính trị, khu đa chức năng, khu thương mại và khu cảnh quan mặt nước. 3 khu chức năng phụ trợ gồm: trung tâm văn hóa, khu nhà ở cao tầng kết hợp khu đa năng, khu thương mại. Bố cục không gian tổng thể sẽ thấp dần về khu trung tâm hành chính - chính trị; tổ chức hai trục không gian chính theo hướng Bắc Nam và hướng Đông Tây.