Tháo gỡ được rào cản kinh doanh, tăng trưởng kinh tế có thể vượt 7-8%

Nếu tình trạng xung đột, chồng chéo pháp luật được tháo gỡ, các dự án lớn nhanh chóng được thực hiện thì kỳ tích phát triển của năm 2019 còn to lớn hơn nữa.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2019 sáng 10/1với chủ đề về vai trò và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng chủ tịch Liên minh VBF, ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực và thành phần kinh tế.

Tuy nhiên, ông Lộc cũng thẳng thắn nhìn nhận, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá lớn so với các nước đi trước trong khu vực.

“Điều đó cho thấy, không gian và dư địa cải cách vẫn rất lớn. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, nếu tháo gỡ các rào cản hiện nay thì Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được kỳ tích phát triển cao hơn, tốc độ tăng trưởng GDP hoàn toàn có thể vượt mốc 7%-8%/năm. Nếu tình trạng xung đột, chồng chéo pháp luật được tháo gỡ, các dự án lớn được nhanh chóng đi vào thực hiện thì kỳ tích phát triển của năm 2019 còn to lớn hơn nữa”, ông Lộc cho biết.

Nếu tháo gỡ các rào cản hiện nay thì tốc độ tăng trưởng GDP có thể vượt mốc 7-8%/năm.

Nhắc tới những vấn đề chồng chéo, xung đột pháp luật, ông Lộc nêu rõ, thời gian qua thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, VCCI đã thu thập, nhận diện, phân tích và làm rõ nhiều điểm chồng chéo, xung đột giữa các quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, đã có 25 điểm xung đột, chồng chéo lớn giữa các đạo luật về đầu tư kinh doanh được báo cáo cụ thể tới Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, cùng những đề xuất, kiến nghị được tháo gỡ và giải phóng ngay cho doanh nghiệp.

Đại diện tiếng nói của doanh nghiệp, ông Lộc gửi tới Chính phủ nhiều giải pháp để thúc đẩy tiến trình cải cách, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp.

Đó là tiếp tục cải thiện các chính sách, cơ chế về khởi sự kinh doanh, về thuế, về giấy phép xây dựng cùng các giấy phép có liên quan; cải cách các quy định về quản lý xây dựng, đất đai và đăng ký bất động sản; cải cách tư pháp nhằm hỗ trợ môi trường kinh doanh; tiếp tục cải thiện hạ tầng và tiếp cận điện năng; tiếp tục cải cách điều kiện đầu tư kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hoá và kiểm tra chuyên ngành, kiểm soát tham nhũng và giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.

Các cơ quan Nhà nước cần đảm bảo tính ổn định của chính sách với nguyên tắc không hồi tố bất lợi cho doanh nghiệp và người dân trong quá trình xây dựng các quy định pháp luật. Cùng với đó, việc ứng dụng các cổng dịch vụ công, dịch vụ trực tuyến cũng được chú trọng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa…

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm