Theo khẳng định của ông Hưng, dù ngành ngân hàng gặp khó khăn nhưng vẫn cố gắng hạ lãi suất nên mặt bằng lãi suất diễn biến ổn định từ cuối năm ngoái đến nay và chỉ bằng 40% mặt bằng lãi suất năm 2011.
Trước nhiều ý kiến DN cho rằng, lãi suất ngân hàng hiện nay vẫn rất cao, cao hơn nhiều một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc…, ông Hưng lý giải rằng, những nước này môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát thấp duy trì trong nhiều năm, doanh nghiệp có khả năng hoạch định sản xuất kinh doanh cao, vốn sản xuất kinh doanh không quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển nên nhu cầu vốn cho phát triển rất lớn, nền kinh tế ổn định nhưng lạm phát chưa ổn định... đã ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất cho vay với các ngân hàng.
Tuy nhiên, so sánh số liệu với một số nước trong khu vực như Myanmar, lãi suất cho vay ở mức 13%/năm, Indonesia là 11,9%/năm, Thái Lan là 6,3%/năm, Singapore là 5,4%/năm thì mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của Việt Nam hiện nay khoảng 6-11%/năm, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ trong khoảng 3-4% vẫn ở mức tương đối hợp lý với tương quan kinh tế vĩ mô.
Hướng tới việc giải quyết lãi suất trong thời gian tới, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, chú trọng cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp...
Ngoài ra, Thống đốc cũng chỉ ra rằng, nguồn lực tài chính của các ngân hàng hiện nay chưa được khơi thông vì phần lớn vốn vẫn còn nằm trong nợ xấu. Khi luật hỗ trợ các TCTD và xử lý nợ xấu được thông qua sẽ giải phóng được lượng lớn tài sản thế chấp, có điều kiện giảm lãi suất cho vay của các doanh nghiệp.
Hiện, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ và báo cáo Bộ Chính trị về việc trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.
“Nếu được thông qua sớm, Nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo điều kiện xử lý triệt để các vướng mắc khó khăn về cơ sở pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi các khoản nợ xấu. Nhờ đó sẽ giải phóng khối lượng vốn lớn đang đọng lại trong các khoản nợ xấu cũng như giải phóng khối lượng tài sản thế chấp hiện nay chưa xử lý được, gây lãng phí nguồn lực xã hội, giúp các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời, giảm được chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay”, Thống đốc nói.