Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...

anh-chup-man-hinh-2024-11-11-luc-104855.png
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8

Ngày 11/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng. Phiên chất vấn nằm trong khuôn khổ tuần làm việc thứ 4 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (từ ngày 11/11 đến 13/11) do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì điều hành chất vấn.

VÌ SAO NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHỈ BÁN MÀ KHÔNG MUA VÀNG?

Đặt câu hỏi tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Lưu Văn Đức (Đoàn Đắk Lắk) cho biết, ngày 14/4/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 160 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp bàn về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới. Trong đó, giao cho Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ và giải pháp để bình ổn và quản lý thị trường. Đại biểu Lưu Văn Đức đề nghị Thống đốc Ngân hàng cho biết thời gian qua đã thực hiện yêu cầu trên như thế nào và tác động đến giá vàng và thị trường vàng trong hiện tại và tương lai ra sao?

Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho biết, vừa qua việc bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước bình ổn giá vàng được người dân rất đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ bán mà không mua. Nếu người dân muốn bán vàng do nhu cầu để sử dụng tiền mặt thì bán ở đâu, ngân hàng không mua thì các cửa hàng và khác cũng không có mua. Mặt khác, ngân hàng bán vàng chỉ có ở thành phố Hà Nội và TP.HCM, sao không bán cả tại những nơi khác ở trong nước cho người dân có nhu cầu mua để thuận lợi, dễ dàng?

Đại biểu Phạm Văn Hòa chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng

Đại biểu Phạm Văn Hòa chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng

Trả lời chất vấn các đại biểu về bình ổn giá vàng và thị trường vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, thị trường vàng của Việt Nam biến động cũng là diễn biến chung của các nước trên thế giới. Từ năm 2014 đến năm 2019, thị trường vàng Việt Nam tương đối ổn định và nhu cầu mua vàng của người dân giảm. Nhưng từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng cao, theo đó, giá vàng trong nước cũng diễn biến tăng cao.

Tuy nhiên, từ năm 2021 đến tháng 6/2024, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa can thiệp. Từ tháng 6/2024, giá vàng thế giới lập đỉnh cao, chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước tăng cao. Do đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt.

Trên cơ sở pháp luật hiện hành, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 9 phiên đấu thầu. Song trong bối cảnh giá vàng lập đỉnh cao và tâm lý kỳ vọng của thị trường cũng rất cao, để thực hiện thu hẹp nhanh khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang phương án bán vàng trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và công ty SJC. Do đó, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế từ khoảng 15-18 triệu đồng/lượng đến nay chỉ còn khoảng 3-4 triệu/lượng.

Chỉ rõ diễn biến vàng tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nước ta không sản xuất vàng nên việc can thiệp tùy thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu vàng quốc tế. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường để đưa ra các chính sách phù hợp để ổn định thị trường vàng.

Trả lời câu hỏi về việc Ngân hàng Nhà nước chỉ bán mà không mua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không cung vàng miếng ra thị trường vì Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Với bối cảnh nhu cầu gia tăng, Ngân hàng Nhà nước cung vàng và chưa đặt vấn đề mua lại. Còn đối với các Ngân hàng thương mại Nhà nước, khi bán vàng trong giai đoạn này, Ngân hàng Nhà nước chủ yếu thực hiện giải pháp để tăng cung vàng.

Đối với hệ thống kinh doanh mua bán vàng miếng, hiện nay đã có 22 tổ chức tín dụng và có 16 doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng. Việc doanh nghiệp không mua vàng cá nhân có thể vì một vài lý do như cân đối tiền.

Về lý do vì sao chỉ bán ở thành phố Hà Nội và TP.HCM, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp phép đối với doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng chứ không có quy định bắt buộc ở địa điểm nào.

“Bản thân các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng sẽ tự xem xét, đánh giá nhu cầu của các tỉnh thành và mở các địa điểm mua bán vàng miếng. Qua tổng hợp nhu cầu mua bán chủ yếu , thực tế nhu cầu chủ yếu ở Hà Nội, TP. HCM và các thành phố lớn, còn các tỉnh thành khác không có hiện tượng người dân xếp hàng mua vàng”, Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết.

VÌ SAO CHƯA LẬP SÀN GIAO DỊCH VÀNG Ở VIỆT NAM?

Tại buổi chất vấn, Đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) nêu vấn đề, hiện nay thế giới có nhiều nước thị trường phát triển cho phép lập sàn giao dịch vàng, thu hút nguồn lực vàng, mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước. Đại biểu hỏi, Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch đề xuất Chính phủ lập sàn giao dịch vàng hay không.

Bà Hồng cho hay, một số nước đã thành lập sàn giao dịch vàng như Trung Quốc lập sàn vàng tại Thượng Hải. Nhưng cũng có nước không làm vậy. Lập sàn vàng có mặt tích cực là giao dịch minh bạch, nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp, chủ thể sẽ thuận lợi hơn.

anh-chup-man-hinh-2024-11-11-luc-104755.png
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8

Tuy nhiên, theo bà Hồng, để lập sàn vàng đòi hỏi phải đầu tư về cơ sở hạ tầng. Việt Nam không phải là sản xuất vàng. Vậy nên khi vàng giao dịch giữa các chủ thể trên thị trường cũng phải nhập từ thị trường vàng quốc tế.

Theo bà Hồng, để lập sàn giao dịch vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng với các bộ ngành nghiên cứu, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng để tham mưu, đề xuất Chính phủ ở thời điểm phù hợp và phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) đặt vấn đề quản lý thị trường vàng bám sát nghị định 24 và các quy định pháp luật. Bên cạnh những biến động thị trường vàng trong nước phụ thuộc giá vàng thế giới và cung - cầu thị trường, cũng không loại trừ khả năng có hành vi thao túng thị trường, vi phạm các quy định liên quan về thuế, cạnh tranh dẫn đến chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và thế giới. Có ý kiến cho rằng có nhiều bộ ngành tham gia quản lý và công tác phối hợp chưa tốt nên hiệu quả quản lý thị trường vàng chưa cao. Quan điểm và giải pháp của Ngân hàng Nhà nước để quản lý tốt thời gian tới?

Trả lời, Thống đốc cho hay mỗi bộ ngành đều chủ trì tham gia quản lý và các bộ ngành khác tham gia quản lý và không trùng lắp. Qua quản lý thị trường vàng, bà Hồng cho rằng mỗi bộ ngành cần chủ động để phối hợp tham gia quản lý. Ngân hàng Nhà nước cũng chủ trì đầu mối quản lý thị trường vàng, mời đại diện các cơ quan liên quan, đặc biệt Bộ Công an hỗ trợ, theo dõi trong quá trình triển khai để tránh hành vi trục lợi, gian lận trong quá trình Ngân hàng Nhà nước can thiệp.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cùng phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ đi kiểm tra doanh nghiệp vàng và đánh giá các nội dung thực hiện của Nghị định 24, tham mưu Chính phủ ban hành quy định mới nhằm hạn chế, khắc phục khó khăn.

Xem thêm

Vàng thế giới và trong nước đồng loạt rơi thẳng đứng

Vàng thế giới và trong nước đồng loạt rơi thẳng đứng

Giá vàng giảm mạnh vào thứ Tư, chịu áp lực từ sự tăng vọt của đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống 2024. Trong nước, vàng miếng và vàng nhẫn cũng lao dốc theo giá thế giới…

Có thể bạn quan tâm

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...

Đổi tiền online: Cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Đổi tiền online: Cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Dịp cận Tết là cơ hội cho các loại hình kinh doanh tiền mới, tiền có seri đẹp, tiền lưu niệm độc lạ để làm lì xì hoặc quà Tết, nhưng những dịch vụ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng...