Sau khi đánh giá lại 10 tiêu chí trong chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016 (PCI), có thể thấy TPHCM có 5 tiêu chí tiến bộ và 5 tiêu chí bị giảm điểm so với đợt xếp hạng năm 2015. Trong đó, có một tiêu chí rất đáng lo là thiết chế pháp lý, giảm từ mức 5,05 điểm năm 2015 về chỉ còn 4,25 điểm năm 2016, tức chỉ nhỉnh hơn điểm số của năm 2012 không đáng kể.
Vì sao TPHCM có tiếng là luôn đi đầu trong thực hiện các chủ trương kinh tế - xã hội, nhận được nhiều đồng tình của doanh nghiệp nhưng điểm thiết chế pháp lý lại thụt lùi? Theo lý giải ban đầu từ Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, bởi “Thành phố có nhiều vụ kiện kinh tế được xét xử quá chậm, tòa phải trả đi trả lại nhiều lần!”
Chưa có công cụ đủ mạnh để thu hồi nợ xấu
Ghi nhận tại buổi hội nghị tháo gỡ vướng mắc cho ngành ngân hàng mới đây ở TPHCM cho thấy dù hầu như không có thắc mắc gì lớn về chính sách cho vay, nhưng các ngân hàng vẫn bức xúc khá nhiều ở khâu thu hồi nợ xấu.
Nói như Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Phước Thanh là các địa phương nợ đọng xây dựng cơ bản không trả được cho doanh nghiệp (DN) thi công. DN bị găm vốn - nguồn tài sản hình thành từ tiền vay ngân hàng - nên nợ xấu phát sinh, “xã hội cứ phê phán nợ xấu ngân hàng cao nhưng nhìn vào thực tế hiện nay, nợ xấu không chỉ do chủ quan của các ngân hàng; ngành ngân hàng cũng chưa có công cụ đủ mạnh để thu hồi nợ xấu”.
Các ngân hàng thì than thở hầu như không có quyền chủ nợ. Dù lãnh đạo TPHCM có trực tiếp tham gia chỉ đạo xử lý một số điển hình “nhưng lãnh đạo làm gì có thời gian đi theo từng vụ việc như vậy, nên chúng tôi đi đòi nợ cực khổ trăm bề. Bên thi hành án và tòa án cũng bị nhiều ràng buộc pháp lý nên rất khó xử lý tới nơi”, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vietinbank tại TPHCM chia sẻ.
Vậy nên để hỗ trợ xử lý tài sản thế chấp và các vấn đề có liên quan đến thu hồi nợ xấu, trước mắt, nhiều ngân hàng cho rằng rất cần có một nghị quyết riêng từ Quốc hội đủ để bao hàm xử lý mọi vấn đề liên quan tới nợ xấu. Còn xa hơn nữa, ngành ngân hàng kỳ vọng Luật tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu với những điều chỉnh được cập nhật và đồng bộ hóa với nhiều hành lang pháp lý khác sẽ khai thông hệ thống mạch máu của nền kinh tế.
Đề xuất lập cơ chế dịch vụ công cho thi hành án
Một thực tế khác ghi nhận từ góc nhìn của nhà cho vay còn cho thấy từ lúc ngân hàng tiến hành thủ tục tố tụng, qua khâu sơ thẩm đến chung thẩm rồi chuyển thi hành án, có những cơ quan nội chính làm rất tích cực, nhưng cũng có nơi khá chậm chạp, khiến dòng tiền thu hồi nợ quay về với ngân hàng vẫn bị đóng băng.
Để giải tỏa bức xúc này và cũng để khuyến khích cả tòa án lẫn bên thi hành án, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc ngân hàng Phương Đông (OCB) đề xuất ý kiến nên xem thi hành án như một dịch vụ công. Ở đó, các ngân hàng được phép lựa chọn đơn vị thi hành án cho mình. Và tất nhiên, ngân hàng nào muốn chủ động chọn thì phải trả thêm phí cao hơn mức phí thi hành án như quy định hiện nay (3%). Điều này giúp ngân hàng tiết giảm chi phí cơ hội do án chậm thi hành khiến dòng tiền từ thu hồi nợ bị ùn tắc.
Ngoài ra, “nếu NHTM được chọn tòa án trên địa bàn TPHCM để đưa đơn thì sẽ giúp hệ thống tòa án dàn đều sự quá tải hoặc những nơi phục vụ không như mong muốn sẽ không được chọn”, ông Tùng nhấn mạnh.
Chuyển nợ thành vốn cổ phần: Không thể “mở toang” cửa!
Trong một giải pháp khác, dù ít hơn nhưng cũng đã từng nhiều lần được đề xuất. Đó là chuyển nợ vay thành vốn cổ phần của ngân hàng tại DN.
Phó tổng giám đốc Sacombank, ông Phan Đình Tuệ nghĩ rằng thay vì phải lập đề án trình NHNN xem xét và phê duyệt cho từng trường hợp DN có nợ xấu như hiện nay thì nên chăng cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng để ngân hàng có thể chủ động hơn khi chuyển nợ thành vốn góp – cũng là một cách khai thông nợ xấu.
Tuy nhiên không đồng tình với đề xuất này, Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh cho hay chủ trương chuyển nợ thành vốn góp của ngân hàng tuy có thật nhưng đang rất hạn chế, “không thể mở cửa quá rộng được, vì mở quá thì các ngân hàng chẳng còn tiền nữa! Phải có sức ép thì NHTM mới có dòng tiền thu về”.
Được biết, ngay trong trung tuần tháng 4 này, lãnh đạo TPHCM sẽ có đợt làm việc với các cơ quan thi hành án và tòa án để có rà soát lại danh mục những vụ kiện kinh tế tồn đọng cũng như những tài sản cần thi hành án còn đang ùn tắc.
Theo Canhtranhquocgia
>> Tỷ lệ nợ xấu thực tế có thể lên đến 8,86%