Thu thuế tài sản có bất khả thi?

Việt Nam hiện nay có chính sách thuế, phí và lệ phí liên quan đến đất đai, nhưng chưa có thuế tài sản hoặc thuế bất động sản như thông lệ quốc tế.
Thu thuế tài sản có bất khả thi?

Trông người, ngẫm ta…

Trong thời gian gần đây, nhiều nước đang có xu hướng đánh thuế đối với tài sản có giá trị lớn (chủ yếu đối với nhà, đất; ô tô hoặc giá trị tài sản của hộ gia đình), mở rộng đối tượng thu thuế tài sản với mức thu không giống nhau: Dòng thuế này đóng góp tới khoảng 2% tổng thu NSNN tại các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD; chiếm khoảng 0,6% tại các nước đang phát triển và khoảng 0,68% tại các quốc gia đang chuyển đổi.

Ở Mỹ, việc đánh thuế bất động sản (BĐS) được giao về cho các tiểu bang và chúng có thuế suất khác nhau do giá trị BĐS ở các bang khác nhau và tùy quyền tự quyết của mỗi bang.

Việc thu thuế tài sản dễ bị vô hiệu hóa vì bị lách luật, nếu không có quy định về tuổi người được sở hữu tài sản hoặc việc đứng tên hộ tài sản sao cho đủ minh bạch và chặt chẽ...”

Ví dụ, thuế suất BĐS ở bang California là hơn 1,2%/năm giá trị bất động sản (gồm nhà và đất) và là trên 3% ở bang Texas. Còn tại Canada, thuế suất cho căn nhà thứ 2 có thể lên tới 4%. Người mua BĐS ở Singapore phải chịu thuế là 3% và sẽ phải trả thuế thêm là 7% cho ngôi nhà mua thứ hai trở đi, tức người mua có quốc tịch Singapore sẽ phải trả tổng cộng là 10% cho ngôi nhà thứ 2 này.

Nếu người mua là người nước ngoài thì họ phải trả thêm là 15% cho ngôi nhà thứ 2. Các BĐS không có người ở còn phải chịu chính sách đánh thuế đặc biệt. Người sở hữu nhà ở có trách nhiệm phải tự khai báo đâu là căn nhà chính mà họ đang ở, và đâu là nhà mua để đầu tư. Những chế tài nghiêm khắc về tài chính được đặt ra để ngăn chặn các hiện tượng chậm đóng thuế mới hoặc không khai báo...

Đối với Việt Nam, Nghị quyết 25/2016 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, giai đoạn 2016-2020 xác định nhiệm vụ nghiên cứu bổ sung thuế tài sản phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Theo thống kê và mục tiêu kế hoạch, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang và sẽ tăng nhanh hơn trong các năm gần đây, từ 1.400 USD (năm 2013) lên 2.200 USD (năm 2016) và và dự báo sẽ tăng lên 3.400 USD vào năm 2020.

Theo đà tăng thu nhập đó, việc nắm giữ, sở hữu, đầu tư bất động sản của người dân có xu hướng tăng lên... Bởi vậy, Bộ Tài chính đang kỳ vọng về mở rộng nguồn thu mới cho NSNN từ việc đánh thuế tài sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới. Trước mắt, Bộ này đã giao Vụ Chính sách thuế nghiên cứu dự thảo đánh thuế nhà ở, nhất là những chủ thể có từ 2 - 3 nhà trở lên...

Theo Bộ Tài chính, việc xây dựng Luật Thuế tài sản không chỉ góp phần tăng thu NSNN, điều tiết lại thu nhập cá nhân, tăng công bằng xã hội, mà còn còn nhằm thể chế hóa chủ trương về chính sách thuế đối với tài sản, xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế, góp phần bình ổn thị trường bất động sản, hạn chế đầu cơ và tăng hiệu quả xã hội trong khai thác và sử dụng bất động sản.

Nguy cơ tham nhũng thuế

Cả về lý thuyết, pháp lý và thực tiễn, việc xây dựng và triển khai Thuế tài sản cần được chuẩn bị kỹ vì không dễ thu; ngay cả việc đánh thuế người sở hữu căn nhà thứ 2 trở lên cũng không hề đơn giản, muốn là được. Hiện ở Việt Nam chưa có định nghĩa khoa học và thực tế về đối tượng thu thuế là “tài sản”, là “căn nhà” và “căn nhà thứ 2, thứ 3...”. Hơn nữa, việc thu thuế tài sản dễ bị vô hiệu hóa vì bị lách luật, nếu không có quy định về tuổi người được sở hữu tài sản hoặc việc đứng tên hộ tài sản sao cho đủ minh bạch và chặt chẽ...

Việt Nam đang áp dụng “thuế sử dụng đất” và đang coi quyền sử dụng đất cũng là tài sản của cá nhân và doanh nghiệp, nếu định nghĩa không rõ sẽ gây mâu thuẫn, mù mờ, khó áp dụng hoặc tình trạng “thuế trùng thuế”... Hơn nữa, giá nhà đất sẽ được tính như thế nào, theo đấu giá hay chỉ căn cứ vào khung định giá chung mà tỉnh địa phương được phép đưa ra hàng năm theo phân cấp quản lý như hiện nay?

Thuế tài sản, trong đó có thuế cho ngôi nhà thứ hai trở lên, là loại mới và có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nên không thể nóng vội, duy ý chí…”

Về mặt kỹ thuật, còn cần khảo sát và luận cứ chặt chẽ, tạo căn cứ khoa học, minh bạch và sự đồng thuận xã hội cao về quyền sở hữu và các loại tài sản chịu thuế; cách xác định giá trị tài sản để tính thuế; mức giá trị tài sản khởi điểm tính thuế và các mức thuế cụ thể cho từng loại tài sản và đối tượng sở hữu tài sản chịu thuế tài sản trên những địa phương và thời điểm cụ thể.

Ngoài ra, cũng cần thấy trước rằng việc thu thuế tài sản rất dễ là cơ hội cho tham nhũng trong ngành thuế trước các biến động về cơ cấu, quy mô, tính chất sở hữu và giá trị tài sản cá nhân thuộc diện nộp thuế trên thực tế và cả do các đối tượng thu thuế và người đi thu thuế đồng thuận “ăn chia”, cố tình khai báo giả để trốn thuế. Hiện nay, tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành nhà ở, khoảng trên dưới 10% đối với nhà chung cư; khoảng trên dưới 30% đối với nhà phố; khoảng trên dưới 50% đối với nhà biệt thự.

Nếu việc áp dụng thuế nhà thứ hai trở lên được triển khai, sẽ kéo theo thu hẹp dòng tiền đầu cơ găm giữ hàng trên thị trường bất động sản và giảm bớt lượng cầu ảo về nhà đất, tức cân đối cung cầu và giá nhà đất sẽ ít nhiều được điều chỉnh, cải thiện có lợi cho sự ổn định và lành mạnh hóa...

Thuế tài sản, trong đó có thuế cho ngôi nhà thứ hai trở lên, là loại mới và có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nên không thể nóng vội, duy ý chí, mà phải có lộ trình đủ dài, phải tổ chức khảo sát thực tế và kinh nghiệm quốc tế, xây dựng dự thảo kỹ càng, được lấy ý kiến phản biện và tuyên truyền rộng rãi đến người dân, doanh nghiệp để tăng sự đồng thuận và hiệu lực, hiệu quả trong triển khai thực hiện.

Ngoài ra, để tránh quan ngại việc thu thuế tài sản không trở thành gánh nặng của doanh nghiệp và người mua nhà, cần cải cách tương ứng các cơ chế thu tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định của Luật Đất đai hiện hành (như có thể thay khoản thu “tiền sử dụng đất” bằng sắc thuế sử dụng đất ở, với thuế suất phù hợp); không thu thuế tài sản này đối với nhà có giá trị trung bình thấp (ví dụ, dưới 1 tỷ đồng); các hộ gia đình nghèo có nhiều nhà, nhưng tổng cộng giá trị của chúng dưới mức ngưỡng sàn về diện tích và giá trị bình quân /người).

Hơn nữa, các mức thuế suất nên áp dụng thuế suất bậc thang, tùy theo số lượng và giá trị tài sản và phải phù hợp với sức dân và doanh nghiệp địa phương; Đồng thời, nên có các thuế suất chống đầu cơ, đánh thuế cao đối với trường hợp chuyển nhượng nhà, đất ngay sau khi mua (có thể tính thời gian trong năm đầu tiên) để giúp ổn định nhanh thị trường bất động sản; Trong mọi trường hợp, việc thiết lập một hệ thống thông tin quốc gia về các giao dịch BĐS, các chủ sỡ hữu BĐS là cần thiết cho quản lý nhà nước về BĐS nói cung, cho thu thuế BĐS nói riêng theo tinh thần trên...

TS. Nguyễn Minh Phong

Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội:

“Cần phải thận trọng khinh áp dụng”

Tại Việt Nam, thị trường bất động sản đang phát triển lành mạnh. Qua nghiên cứu của chúng tôi có thể thấy việc giao dịch vẫn ở mức ổn định, chưa phải tăng trưởng quá mạnh. Khi mà áp dụng đánh thuế bất động sản thứ hai thị trường nó sẽ làm giảm cầu, giảm sức mua của nhà đầu tư với thị trường và giảm bong bóng thị trường bất động sảnSingapore, đánh thuế nhà ở thứ hai với người dân trong nước từ 3-10%, với người nước ngoài là 10-15%. Tuy nhiên, Singapore đưa ra chính sách thuế bất động sản thứ hai khi có quá nhiều người nhập cư vào nước này, có quá nhiều cầu mà không đủ cung, do đó Chính phủ đưa ra chính sách thuế để cần bằng thị trường. Ở Việt Nam thì ngược lại, cung cầu đang phát triển lành mạnh, nguồn cầu còn chưa ổn, do đó khó có thể áp dụng lý thuyết của các nước khác vào Việt Nam. Một góc độ khác, nguồn cầu của người nước ngoài hiện chưa cao, số lượng nhà đầu tư nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chưa nhiều. Do đó, đây là thời điểm cần khuyến khích người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, đặc biệt sau luật mở cửa cho người nước ngoài đầu tư vào thị truường bất động sản Việt Nam.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Không hợp lý!

Việc đánh thuế vào nhà ở thứ hai không hợp lý bởi trong thị trường bất động sản, phần kinh doanh chiếm tỷ trọng rất cao. Nếu phần kinh doanh không có thì lập tức phân khúc nhà ở cho thuê sẽ bị giảm. Đánh thuế vào nhà ở thứ hai là đánh vào phân khúc nhà cho thuê. Điều này ngược với chủ trương của nhà nước: Bán nhà chung cư với hình thức thuê, mua. Nếu đánh thuế vào nhà cho thuê thì số lượng người thuê nhà sẽ giảm. Mà khi cầu về những nhà đầu tư thứ cấp giảm thì cung từ các dự án sẽ giảm, làm giảm cả cung lẫn cầu. Trước là giảm cầu của người có nhà ở cho thuê, sau là giảm cầu của nhà đầu tư thứ cấp cho thuê. Thêm nữa, nếu đánh thuế nhà ở thì nên đánh vào giá trị đất, nếu đánh vào giá trị nhà thì sẽ không còn nhà đẹp nữa bởi chả ai dại gì đầu tư xịn để chịu thuế cao hơn

Có thể bạn quan tâm