Thủ tướng: “Hãy đến và tạo ra các sản phẩm 4.0 tại Việt Nam”

Tối 23/1, giờ địa phương (rạng sáng 24/1, giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đối thoại với lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu về kinh tế Việt Nam với chủ đề “Thúc đẩy sự năng động và sáng tạo tr
Thủ tướng: “Hãy đến và tạo ra các sản phẩm 4.0 tại Việt Nam”

Cùng dự có Giám đốc điều hành WEF Olivier Schwab, lãnh đạo một số bộ, ngành, tập đoàn của Việt Nam và 30 tập đoàn quốc tế.

Mở đầu cuộc đối thoại, nêu vấn đề mà nhiều nhà đầu tư quan tâm là  nguyên nhân gì dẫn tới sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam thời gian qua, Thủ tướng cho biết, trước hết, Việt Nam có chính trị xã hội ổn định,

“có tinh thần đổi mới quyết liệt trong 30 năm qua”. Kinh tế vĩ mô căn bản tốt. GDP tăng cao liên tục, bình quân gần 6,7%/năm. Năm 2018, tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%. GDP bình quân đạt 2.600 USD. Việt Nam có thể chế, chính sách tạo điều kiện cho sự phát triển, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Môi trường kinh doanh cải thiện mạnh mẽ. Sức mạnh cạnh tranh của kinh tế Việt Nam thể hiện qua tổng kim ngạch thương mại năm 2018 đạt gần 480 tỷ USD, xuất siêu 7,4 tỷ USD.

Việt Nam đã trở thành một trong những công xưởng của thế giới về cung ứng hàng tiêu dùng điện tử, dệt may, da giày, điện thoại di động. Việt Nam sản xuất 50% điện thoại thông minh Samsung tiêu thụ trên toàn cầu, đến tháng 12/2018, đã sản xuất trên 1 tỷ điện thoại.

Việt Nam có 26.000 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đăng ký gần 350 tỷ USD, trong đó có nhiều dự án của các tập đoàn lớn như Siemen, Novatis, Carlsberg, Mitsubishi, Toyota, Samsung, LG, Exxon Mobil, Ford, GE...

“Tôi có hỏi những người làm ăn ở Việt Nam có mặt hôm nay, trong hội trường này, “anh chị có gì khó khăn?” thì mọi người nói, mọi việc hết sức tốt đẹp”, Thủ tướng cho biết. “Chúng tôi luôn lắng nghe ý kiến các hiệp hội doanh nghiệp các nước, trong đó có Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu”. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam định hình khuôn khổ pháp lý minh bạch, ngày càng tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế tiên tiến. Phát huy mạnh mẽ khu vực tư nhân.

Việt Nam là quốc gia mở cửa, là đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế. Độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn, có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch thương mại đạt 185% GDP. Cho biết Việt Nam và EU cũng đang tích cực hoàn tất rà soát pháp lý để có thể sớm ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp EU tại buổi đối thoại thúc đẩy mạnh mẽ để EVFTA sớm được ký kết.

Theo Thủ tướng, cách mạng công nghiệp 4.0 đang “gõ cửa” từng doanh nghiệp, đem đến những thay đổi sâu sắc, mà không quốc gia nào có thể đứng ngoài. Nỗ lực vượt qua khó khăn, hạn chế, thách thức, Việt Nam coi đây là cơ hội to lớn khi các quốc gia cạnh tranh bằng sáng tạo, mà không phải chỉ bằng các yếu tố truyền thống như tự do thương mại, quy mô, kinh nghiệm, lao động, vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có mạng cáp quang bao phủ lớn nhất thế giới với gần 1 triệu km được kết nối tới các làng, xã và quận huyện trên toàn quốc, tỉ lệ người sử dụng Internet là 60%, tỉ lệ dân số được phủ sóng di động 3G và 4G lên tới 98%.

Để chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam sẽ triển khai thử nghiệm mạng lưới 5G vào năm 2019 và thương mại hóa vào năm 2020, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước trên thế giới đi đầu về triển khai 5G.

Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ là về công nghệ mà còn là cuộc cách mạng về chính sách. Việt Nam đã khởi động Chương trình “Made in Viet Nam 4.0”. Đây là sáng kiến thúc đẩy các ngành công nghiệp dựa trên chính sách mới, tư duy quản lý mới và những công nghệ mới.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp quốc tế: “Hãy đến và tạo ra các sản phẩm 4.0 tại Việt Nam”.

“Việt Nam sẵn sàng tạo thuận lợi và cùng các bạn hiện thực hóa chiến lược, chương trình, kế hoạch về thúc đẩy phát triển trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng một nền công nghiệp 4.0”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bằng hành động, ngày 24/1, Việt Nam và WEF sẽ ký Thỏa thuận hợp tác Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam và sẽ được kết nối với các Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 của WEF tại Hoa Kỳ, EU. Thực hiện hợp tác này, Việt Nam sẽ là Tâm điểm về chính sách 4.0 của khu vực. Việt Nam sẽ đi đầu trong xây dựng khung chính sách chấp nhận và cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, áp dụng mạnh mẽ mô hình hợp tác công-tư để tạo ra các dịch vụ và sản phẩm đột phá, thân thiện với môi trường trong CMCN 4.0 với chủ thể trọng tâm là các doanh nghiệp trẻ có khát vọng sáng tạo, không sợ vấp ngã để tiến lên mạnh mẽ.

Cho rằng Việt Nam là một trong những nơi “trú ẩn” đầu tư tốt nhất trong thế giới đầy biến động, Thủ tướng mong các nhà đầu tư hãy đến Việt Nam. “Việt Nam luôn mở cửa chào đón các bạn”.

‘Không quản lý được thì đóng cửa’ là quan điểm lạc hậu

Tại cuộc đối thoại, “ấn tượng”, “kinh ngạc” là những cảm xúc mà các nhà đầu tư, trong đó có những người đã hoạt động ở Việt Nam hơn 20 năm, bày tỏ trước sự phát triển của Việt Nam thời gian qua.

Lãnh đạo Tập đoàn Ariston cho biết, hiện Việt Nam là một trong những thị trường, nơi sản xuất quan trọng của hãng và tiết lộ dự định mở thêm cơ sở tại Việt Nam. Đồng quan điểm, đại diện Tập đoàn Heineken bày tỏ, “Việt Nam là cơ sở sản xuất sáng tạo nhất trong các cơ sở sản xuất của chúng tôi” và hãng sẽ tiếp tục đầu tư tại Việt Nam theo hướng bền vững.

Các tập đoàn cũng khẳng định ủng hộ Hiệp định EVFTA, mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi trong đầu tư, kinh doanh.

Tổng giám đốc sáng lập Grab Taxi, ông Anthony Ping Yeow Tan cho biết, Việt Nam là quốc gia thứ 2 mà hãng đến đầu tư, cách đây hơn 5 năm với khoản vốn trên 100 triệu USD. “Kết quả rất tốt, chúng tôi rất hài lòng. Chúng ta đã phát triển những trung tâm công nghệ với hàng trăm kỹ sư”, ông Anthony Ping Yeow Tan nói và mong muốn được biết quan điểm của Chính phủ đối với mô hình kinh doanh mới mẻ như Grab.

Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận Grab là mô hình kinh doanh mới, ảnh hưởng mạnh đến các mô hình kinh doanh truyền thống. Chính phủ Việt Nam nhìn nhận cuộc cách mạng 4.0 mang tính chính sách nhiều hơn là công nghệ. Do đó, các chính sách của Chính phủ có xu hướng hỗ trợ các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ mới. Câu chuyện của Grab và các mô hình tương tự sẽ được Chính phủ Việt Nam giải quyết một cách tích cực.

Trước vấn đề này, Thủ tướng cho rằng quan điểm không quản lý được thì đóng cửa là lạc hậu, đồng thời khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng ủng hộ những ý tưởng, mô hình kinh doanh có tính đột phá, không chỉ ủng hộ những doanh nghiệp mà quan trọng hơn là ủng hộ những giá trị sáng tạo, đổi mới, tinh thần khởi nghiệp, ủng hộ xu hướng tiến bộ, giúp đem lại lợi ích và tiện ích, tiện nghi cho người dân. Đó là khía cạnh bền vững của nền kinh tế, một yếu tố của nền kinh tế số.

Theo Đức Tuân/Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm