Thủ Tướng: Không để bị động khi điều hành chính sách tiền tệ

Thủ tướng khẳng định không để mất đà tăng trưởng, nhà nước sẵn sàng can thiệp những lĩnh vực cần thiết để bảo đảm đất nước phát triển ổn định.
Thủ Tướng: Không để bị động khi điều hành chính sách tiền tệ

Chiều ngày 18/7, dự phiên họp định kỳ của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, 2 năm qua, kinh tế tăng trưởng tốt, trong đó 6 tháng đầu năm 2018 tăng trưởng ở mức cao nhất trong 7 năm qua. Tuy nhiên, những tháng gần đây xuất hiện một số bất cập gây ra nhiều lo ngại.

Khẳng định Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia là một kênh thông tin hữu ích, Thủ tướng mong muốn các chuyên gia góp ý thẳng thắn về những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính, tiền tệ để Chính phủ có kênh thông tin xử lý giải quyết kịp thời hơn vấn đề này.

Đặt vấn đề với mức tăng trưởng như hiện nay và các kịch bản tăng trưởng thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các chuyên gia đưa ra các nhận định về xu hướng của lạm phát trung, dài hạn; đồng thời đưa ra các giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra. 

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị các chuyên gia góp ý về việc hoàn thiện chính sách tài chính, thương mại của Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới, nhất là về xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán, đầu tư nước ngoài… 

Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị hội đồng cần có các đề xuất về chính sách tỷ giá, lãi suất để vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hay các giải pháp để phát triển bền vững các thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán. Cùng với đó là những giải pháp để tạo động lực tăng trưởng...

Thủ tướng đề nghị các thành viên Hội đồng tham mưu, tư vấn về các vấn đề, các khía cạnh, nhìn nhận mới với các phương diện khác về điều hành kinh tế vĩ mô, tài chính, tiền tệ, thương mại, đầu tư để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thêm lựa chọn trong chỉ đạo điều hành.

Một số ý kiến tại cuộc họp cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần phát huy nội lực và thị trường trong nước; ổn định lãi suất, phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, chứng khoán; đẩy mạnh cải cách, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, giải phóng sức sản xuất, coi thể chế, chính sách là động lực tăng trưởng…

Ghi nhận các ý kiến góp ý, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến vai trò Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia - kênh thông tin quan trọng đối với việc xem xét, quyết định một số chủ trương, biện pháp điều hành của Chính phủ trên các lĩnh vực nhằm bảo đảm những giải pháp sát với thực tiễn, phù hợp với quy luật của sự phát triển. 

Thủ tướng yêu cầu không để tình trạng bị động, bất ngờ xảy ra đối với điều hành chính sách tiền tệ; không để mất đà tăng trưởng. Nhà nước sẵn sàng can thiệp những lĩnh vực cần thiết để bảo đảm đất nước phát triển ổn định. Đến nay, chưa đặt vấn đề điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu nào, kể cả chỉ tiêu lạm phát…

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...