Thủ tướng làm Trưởng Ban chỉ đạo tái cơ cấu hệ thống tín dụng

Sau khi nghị quyết được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu hệ thống tín dụng nhằm thúc đẩy nhanh xử lý nợ xấu thời gian tới.

Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình vừa thay mặt Thủ tướng báo cáo Quốc hội, làm rõ thêm những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ như cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu, các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

Mặc dù hệ thống ngân hàng đã trải qua 5 năm tái cơ cấu, xong hiệu quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng, nợ xấu vẫn còn lớn cùng nhiều tồn đọng, khó khăn chưa xử lý dứt điểm. Theo số liệu từ NHNN, tính đến ngày 31/12/2016, nợ xấu của các tổ chức tín dụng là hơn 160.000 tỷ đồng, chiếm 2,52% tổng dư nợ. Tổng nợ xấu mà VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được là 195.000 tỷ đồng, chiếm 3,39% tổng dư nợ. Nếu gộp tổng nợ xấu nội bảng và nợ xấu mà VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được… chiếm tỷ lệ khoảng 10,08% trên tổng dư nợ cho vay. Nợ xấu vẫn phát sinh thêm 1,3 - 1,5% tổng dư nợ mỗi năm.

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng bình quân mỗi năm khoảng 16%, thì trong 5 năm tới sẽ phát sinh thêm nợ xấu khoảng 350.000 tỷ đồng, nâng tổng nợ xấu lên đến khoảng 600.000 tỷ đồng.

Ông Trương Hoà Bình cho biết Chính phủ đã khẩn trương hoàn thiện, phê duyệt và tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội về hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu sau khi được thông qua. Đồng thời kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã mua 0 đồng và thuộc diện kiểm soát đặt biệt; thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia cơ cấu lại; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Chính phủ cũng rà soát, củng cố, chấn chỉnh hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân; xử lý dứt điểm các Quỹ yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền.

Để đẩy nhanh tốc độ, Chính phủ sẽ thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các TCTD do Thủ tướng là Trưởng ban. Bên cạnh đó sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật về xử lý nợ xấu; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; chỉ đạo các TCTD xây dựng, triển khai phương án cơ cấu lại và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Năm 2017 đảm bảo tăng trưởng tín dụng cả năm trên 18%, tập trung vốn cho các lĩnh vực, đối tượng ưu tiên, giảm lãi suất, đẩy mạnh huy động các nguồn vốn đầu tư, phấn đấu tổng đầu tư toàn xã hội đạt 34 - 35% GDP. 

>> 5 tháng BIDV lãi trước thuế 3.200 tỷ, nợ xấu giảm về 1,64%

Có thể bạn quan tâm