Thúc đẩy M&A ngân hàng tự nguyện

Đó là chia sẻ của ông Bùi Huy Thọ, Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng (TCTD) và hoạt động ngân hàng chia sẻ xung quanh câu chuyện sáp nhập và hợp nhất (M&A) của hệ thống trong thời gia
Thúc đẩy M&A ngân hàng tự nguyện

Ông có thể chia sẻ những nét cơ bản về những diễn biến M&A trong thời gian qua của hệ thống ngân hàng?

Theo định hướng tại Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và NHNN khuyến khích việc M&A giữa các TCTD theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

NHNN luôn coi M&A là một trong những giải pháp tái cơ cấu hiệu quả các TCTD nói riêng và hệ thống TCTD nói chung. Đây là giải pháp kinh tế, hiệu quả, phù hợp với kinh tế thị trường, đảm bảo sự hoạt động liên tục không gián đoạn của các TCTD khi tham gia M&A, vừa hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu, đồng thời góp phần củng cố và phát triển về quy mô các TCTD.   

Theo đó, trong giai đoạn triển khai thực hiện Đề án 254 (từ năm 2011 đến năm 2015), số lượng TCTD đã giảm đi 19 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, mua lại, giải thể, thu hồi giấy phép (trong đó giảm 9 ngân hàng, 2 TCTD phi ngân hàng và 8 chi nhánh ngân hàng nước ngoài). Về cơ bản, các TCTD sau M&A hoạt động ổn định, tăng trưởng về quy mô và cải thiện chất lượng hoạt động.

Về diễn biến M&A đối với các TCTD trong năm 2017, đâu là những điểm nhấn, thưa ông?

Thứ nhất, về phương án xử lý 3 ngân hàng mà NHNN đã mua lại bắt buộc, Chính phủ và NHNN khuyến khích thực hiện phương án M&A để tái cơ cấu đối với 3 ngân hàng mua lại bắt buộc khi tìm được nhà đầu tư có nguyện vọng và có đủ năng lực để tái cơ cấu các ngân hàng này.

Hiện nay, một số nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đặt vấn đề tìm hiểu tham gia tái cơ cấu 3 ngân hàng mua bắt buộc. Trong đó, có nhà đầu tư nước ngoài đang thực hiện việc soát xét (due diligence) với Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank). 

Thứ hai, ngoài các chi nhánh ngân hàng HSBC, ANZ đang trong quá trình thanh lý, đóng cửa, chuyển giao tài sản công nợ cho các ngân hàng HSBC, ANZ 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, vừa qua, Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) – Chi nhánh Hồ Chí Minh (CBA HCM) cũng có đề nghị đóng cửa và chuyển giao tài sản, công nợ sang Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).

Cụ thể, CBA bắt đầu đầu tư vào VIB từ năm 2010 và hiện nắm giữ 20% cổ phần tại VIB. Tháng 3/2017, CBA và VIB đã có đơn kèm hồ sơ đề nghị được đóng cửa CBA HCM và chuyển giao tài sản, công nợ sang VIB.

Theo đó, NHNN đã có công văn chấp thuận về nguyên tắc việc thu hồi giấy phép của CBA, đồng thời hướng dẫn việc chuyển giao tài sản, công nợ nêu trên. Trên cơ sở chấp thuận, hướng dẫn của NHNN, CBA và VIB đang tiến hành chuyển giao tài sản, công nợ theo phương án chuyển giao đã trình NHNN.

Thứ ba, về việc Ngân hàng TNHH MTV ANZ Việt Nam (ANZVL) chuyển giao phần bán lẻ cho Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan), tháng 6/2017, ANZVL và Shinhan đã có công văn đề nghị NHNN chấp thuận việc chuyển giao phần bán lẻ từ ANZVL sang Shinhan theo thỏa thuận đã được ký kết giữa hai bên. Hiện NHNN đang xem xét xử lý đối với các giao dịch phải được NHNN chấp thuận theo quy định.

Thứ tư, vừa qua, HSBC có thông báo sẽ thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) để tập trung hoạt động của ngân hàng 100% vốn nước ngoài HSBC tại Việt Nam.

Về cơ bản, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài nêu trên đóng cửa không phải là thu hẹp hay chấm dứt hoạt động tại Việt Nam, mà do các ngân hàng nước ngoài nay (ngân hàng mẹ) đã có ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam nên các ngân hàng này đã đóng cửa chi nhánh và chuyển giao tài sản, công nợ vào ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam để tập trung hoạt động vào ngân hàng này. Trường hợp HSBC thoái vốn khỏi Techcombank cũng tương tự.

Ngược lại, CBA đóng cửa các chi nhánh tại Việt Nam để tập trung vào hoạt động cổ đông chiến lược với VIB, còn ANZ bán mảng bán lẻ để tập trung vào hoạt động bán buôn theo chiến lược phát triển của ngân hàng này.

Được biết, trong năm 2016, NHNN cũng đã chấp thuận một số thương vụ M&A chủ yếu liên quan đến các công ty tài chính?

Đúng vậy. Đó là Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam mua lại Công ty Tài chính cổ phần Dệt may và đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam; Ngân hàng TMCP Kỹ thương mua lại Công ty Tài chính cổ phần Hóa chất và đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH MTV Kỹ thương; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng mua lại Công ty Tài chính Than - Khoáng sản và đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội nhận sáp nhập Công ty Tài chính Vinaconex Viettel, trên cơ sở đó thành lập mới Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội. Ngân hàng TMCP Quân đội nhận sáp nhập Công ty Tài chính Sông Đà, trên cơ sở đó thành lập mới Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Quân đội.

Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vậy xu hướng M&A trong thời gian tới sẽ như thế nào, thưa ông?

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Liên quan giải pháp cơ cấu lại các ngân hàng thương mại, tại Đề án có nêu:

- Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém: Khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các định chế tài chính nước ngoài nói riêng mua lại, sáp nhập ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém của Việt Nam.

- Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần lành mạnh: NHNN tiếp tục thúc đẩy việc mua bán, sáp nhập trên cơ sở tự nguyện các tổ chức tín dụng thành các định chế có quy mô lớn và quản trị tốt hơn.

Do vậy, trong thời gian tới, giải pháp M&A sẽ vẫn được NHNN khuyến khích các TCTD thực hiện.

 Theo Nhuệ Mẫn/ ĐTCK

>> Sở hữu chéo còn tiềm ẩn rủi ro

Có thể bạn quan tâm