Thúc đẩy xuất khẩu và sự trăn trở về thương hiệu Việt

Với hàng loạt nhiệm vụ cụ thể được giao cho các bộ, ngành… có thể xem là nền tảng quan trọng để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.
Thúc đẩy xuất khẩu và sự trăn trở về thương hiệu Việt

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Đó là tin đáng mừng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc không nhỏ vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng. Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là giải pháp cần thiết và hữu hiệu để hàng hóa Việt Nam có thể vươn xa trên thị trường quốc tế.

Ngay sau đó ít ngày, đã có thêm một chỉ đạo đặc biệt từ Thủ tướng Chính phủ. Đó là giao Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh về thương hiệu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Mọi chuyện bắt đầu từ nhận định của ông Claudio Dordi, Tư vấn trưởng Dự án EU-MUTRAP, được tăng tải trên báo chí. Đó là hầu hết hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU chưa được nhận diện thương hiệu bởi doanh nghiệp chưa ý thức đúng tầm quan trọng của xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, cũng bởi doanh nghiệp chưa trang bị đầy đủ thông tin và tuân thủ những tiêu chuẩn đối với hàng xuất khẩu, nên số lượng hàng xuất khẩu bị trả về còn cao.

Còn một thực tế khác. Đó là hầu hết nông phẩm có nguồn gốc Việt Nam phân phối tại thị trường EU được đóng mác sản xuất tại nước khác do Việt Nam xuất nguyên liệu thô qua các nước này. Thậm chí, theo ông Claudio Dordi, có tới 99% cà phê nhập khẩu vào châu Âu có nguồn gốc từ Việt Nam, nhưng không mấy người tiêu dùng biết điều đó. Không chỉ cà phê, mà ca-cao, chè, đồ chơi, giày dép, hàng dệt may… cũng chịu chung số phận.

Thủ tướng đã yêu cầu các bộ chuyên ngành kiểm tra, xử lý thông tin này. Đây là chỉ đạo quan trọng và kịp thời trong bối cảnh Việt Nam đang muốn nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu.
Song đây không phải là lần đầu tiên, câu chuyện trên được nói tới. Chuyện hàng Việt Nam xuất khẩu phải thông qua đối tác thứ ba, hay chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô cho đối tác nước ngoài để họ chế biến và thu lợi lớn, xuất khẩu nhiều được đề cập từ lâu như một điểm yếu cố hữu của xuất khẩu Việt Nam.

Thương hiệu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam còn bị lép vế, thiếu sức cạnh tranh, do đó đã bị ép cấp, ép giá so với hàng hóa xuất khẩu cùng loại của nhiều quốc gia khác…

Câu chuyện không chỉ diễn ra với riêng thị trường châu Âu, mà còn với nhiều thị trường khác. Những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã được cải thiện nhiều, song những thực tế đó là có thật.

Chính vì vậy, cần thiết phải điều tra, nghiên cứu và xem xét một cách cẩn trọng thương hiệu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, từ đó có giải pháp phù hợp nhằm xây dựng được những thương hiệu Việt có uy tín trên thị trường toàn cầu. Khi đó, Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ có cơ hội lớn hơn, sớm trở thành hiện thực và sẽ không còn phải trăn trở về thương hiệu Việt nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài.

Tất nhiên, kèm theo đó, điều quan trọng là phải thực thi hiệu quả hàng loạt giải pháp đã được đề ra trong Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, mà Chính phủ vừa thông qua.

>> Giá trị thương hiệu Việt: Cú lội ngược dòng

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...