Thương mại là một sự đổi chác!

Thứ Năm tuần trước (ngày 8-3) sẽ được nhớ đến như một ngày đặc biệt cho nền thương mại toàn cầu...
Thương mại là một sự đổi chác!

Một bên Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh đánh thuế 25% lên thép và 10% lên nhôm nhập khẩu vào Mỹ; bên kia 11 nước ngồi lại với nhau ở Chile để ký một hiệp định thúc đẩy thương mại tự do không có Mỹ trong khi trước đó Mỹ là nhân tố thúc đẩy hiệp định này mạnh nhất.

Từng được biết đến dưới cái tên TPP khá quen thuộc, nay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương được bổ sung cụm từ “Toàn diện và Tiến bộ” để trở thành CPTPP, liệu có còn hấp dẫn các nước tham gia như thời còn có Mỹ? Nhắc lại một chút chuyện quá khứ: TPP gồm 12 nước (Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam) đã được ký kết chính thức vào ngày 4-2-2016 nhưng tháng 1-2017 Mỹ tuyên bố rút lui nên giờ 11 nước phải ký lại.

Trước hết về ngắn hạn, việc ký kết CPTPP là một thông điệp phát ra để phản ứng lại quyết định đánh thuế lên thép và nhôm nhập khẩu của Mỹ, được xem là một hành động mang tính bảo hộ mậu dịch, đi ngược lại tinh thần tự do hóa thương mại. Đó là bởi CPTPP có mục tiêu chính là cắt giảm thuế giữa các nước tham gia (cắt bỏ đến 98% dòng thuế), không những thế, hiệp định còn hạn chế các biện pháp phi thuế quan nhằm gạt bỏ mọi trở ngại cho giao thương giữa các nước. Trong xu hướng bảo hộ hiện nay thì một hiệp định thương mại tự do quy mô lớn là một điểm sáng cần thiết.

Về dài hạn, cũng như TPP, hiệp định lần này cũng hứa hẹn thúc đẩy thương mại, giúp các nước thành viên tăng kim ngạch xuất khẩu và từ đó tăng việc làm, thu nhập, nói chung là tăng GDP. Theo Viện Kinh tế quốc tế Peterson, các nước Malaysia, Singapore và Việt Nam nhờ CPTPP mà GDP sẽ tăng thêm 2% cho đến năm 2030. Cái lợi cho các nước khác như New Zealand, Nhật Bản, Canada, Mexico, Chile và Úc sẽ ít hơn nhưng GDP cũng sẽ tăng thêm trên dưới 1%.

Trong thực tế con đường để hiệp định mới thật sự phát huy tác dụng còn rất chông gai. Ký thì ký rồi nhưng để hiệp định có hiệu lực, phải có ít nhất 6 nước thành viên phê chuẩn hiệp định theo thủ tục nội bộ từng nước, dự kiến là đầu năm sau. Nhưng một số nước khác thì cần thời gian dài hơn, ví dụ đại diện Canada cho biết Quốc hội nước này sẽ “sớm” phê chuẩn hiệp định CPTPP, “có thể có cơ hội hoàn tất quy trình phê chuẩn vào cuối năm 2019”! Mỹ rút khỏi TPP vì cho rằng hiệp định rất bất lợi cho công nhân Mỹ thì lập luận tương tự cũng có thể xảy ra với các nước khác như Canada, Úc nơi tiếng nói công đoàn có tác động mạnh lên lá phiếu của các thành viên Quốc hội. Malaysia cho biết phải sửa 18 luật nữa thì mới phê chuẩn được.

"Ngày nay, tự do hóa thương mại không đơn thuần là mua bán giữa các nước, mà còn là sự đổi chác mang tính địa chính trị và đôi lúc phục vụ cho mục đích dân túy ở nhiều nước.

Thành viên hiệp định hiện có 11 nước nhưng bày tỏ ý định tham gia thì nhiều (như Anh, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia) nên trong tương lai, chuyện vô ra lại càng có thể làm phức tạp việc thực thi. Ngay cả Mỹ cũng tuyên bố sẽ xem xét khả năng quay lại tham gia nếu thấy có lợi cho Mỹ! Tại Davos khi tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố để ngỏ khả năng tham gia CPTPP “nếu chúng tôi có thể thỏa thuận được một hiệp định tốt hơn giờ”. Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, tiết lộ vào ngày 27-2 rằng tái thương thảo CPTPP đang nằm trên bàn nghị sự và 25 thượng nghị sĩ Mỹ của cả hai đảng đã viết thư cho ông Trump thúc giục ông tái tham gia CPTPP để “củng cố quan hệ với đồng minh, cân bằng lại ảnh hưởng của Trung Quốc”.

CPTPP không có Mỹ khác TPP ở những điểm nào? Về quy mô, kinh tế của 11 nước thành viên hiện chiếm chừng 13% tỷ trọng kinh tế toàn cầu nhưng nếu có Mỹ thì quy mô lên đến 40%. Dân số của TPP lên đến 800 triệu người còn CPTPP chỉ còn 500 triệu. Về nội dung thì hiệp định mới tạm gạt sang một bên 22 điều khoản (chủ yếu do Mỹ khởi xướng đòi hỏi trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ), ví dụ như các điều khoản bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các hãng dược mà nhiều người tin sẽ làm tăng giá thuốc.

Tuy nhiên rất nhiều điểm do Mỹ khởi xướng vẫn còn đó và điều đáng nói là những nước đang phát triển từng phải nhượng bộ những điểm này để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường rộng lớn của Mỹ. Nay thị trường đó không có nữa trong khi họ vẫn chịu nhượng bộ, liệu có bất công chăng? Ví dụ sau khi hiệp định có hiệu lực, các nước phải tham gia một hiệp ước, trong đó nông dân sẽ không được quyền lưu trữ hay mua bán các giống được bảo vệ mà phải mua giống mới cho mỗi vụ mùa. Hay quy định nhà đầu tư nước ngoài có quyền khởi kiện chính phủ các nước thành viên nếu sau này cho ra đời các chính sách kinh tế, xã hội hay môi trường có thể ảnh hưởng lên hoạt động của họ, kể cả lợi ích tiềm năng.

Tuy nhiên, bức tranh ngoại thương không chỉ có hai màu trắng đen rạch ròi như chúng ta nghĩ. Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump bất chấp các quy luật cơ bản của thương mại toàn cầu để khăng khăng bảo vệ cho sản xuất nội địa Mỹ, các nước một mặt phản đối mạnh mẽ nhưng mặt khác lại muốn được Mỹ đối xử như một ngoại lệ.

Chẳng hạn, trong lệnh đánh thuế lên thép và nhôm nhập khẩu, Mỹ miễn trừ cho các nước Canada, Mexico, coi đây là đòn bẩy để đàm phán lại NAFTA (hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ, Canada và Mexico) có lợi cho Mỹ hơn. Vì thế nếu có nước thành viên nào đó dùng CPTPP như một đòn bẩy để đàm phán, đổi chác thì cũng không có gì quá ngạc nhiên. Ông Trump cũng nhấn mạnh lệnh áp thuế của ông “rất linh hoạt” vì ông có thẩm quyền nâng thuế hay hạ thuế cho từng nước riêng lẻ và thêm cái quyền rút nước này hay bổ sung nước kia vào danh sách chịu thuế theo nhận định của ông! Kiểu như thế, các nước sẽ phản ứng dữ dội nhưng lãnh đạo các nước cũng sẽ phải “linh hoạt” trong ứng xử theo ông Trump.

Chính vì vậy, tự do hóa thương mại không còn mang nghĩa đơn thuần mua bán giữa các nước - nó còn là sự đổi chác mang tính địa chính trị và đôi lúc phục vụ cho mục đích dân túy ở nhiều nước nữa.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

thesaigontimes.vn/td/270063/thuong-mai-la-doi-chac http://www.thesaigontimes.vn/td/270063/thuong-mai-la-doi-chac.html

Có thể bạn quan tâm

Vinpearl lọt top 3 thương hiệu mạnh nhất Đông Nam Á

Vinpearl lọt top 3 thương hiệu mạnh nhất Đông Nam Á

Với sự nỗ lực không ngừng, Vinpearl đã đạt được một cột mốc đáng ghi nhớ khi lọt top 3 thương hiệu mạnh nhất Đông Nam Á. Thành công này là kết quả của quá trình đầu tư mạnh mẽ vào chất lượng dịch vụ, không ngừng đổi mới và mở rộng quy mô.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao biểu trưng Thương hiệu quốc gia cho đại diện VNPT VinaPhone

VinaPhone 5G và MyTV được công nhận là Thương hiệu quốc gia

VinaPhone 5G và MyTV vừa vinh dự được công nhận là Thương hiệu Quốc gia, đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của VNPT trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và khẳng định vị thế hàng đầu trên thị trường...

AkzoNobel ra mắt sơn ngoại thất siêu cao cấp dành cho các biệt thự

AkzoNobel ra mắt sơn ngoại thất siêu cao cấp dành cho các biệt thự

AkzoNobel vừa chính thức giới thiệu đến người tiêu dùng dòng sơn ngoại thất Dulux Weathershield Royal Shine với tính năng tự làm sạch độc đáo. Đây là dòng sơn sở hữu công nghệ Hybrid Mineral tiên tiến, mang đến giải pháp bảo vệ vượt trội lên tới 12 năm dành cho phân khúc dinh thự cao cấp.

ROX Group xuất sắc nhận “cú đúp” giải thưởng tại APEA 2024

ROX Group xuất sắc nhận “cú đúp” giải thưởng tại APEA 2024

Chiến lược tái định vị thương hiệu ấn tượng cùng nỗ lực khẳng định vị thế trong nước và quốc tế đã giúp ROX Group ghi tên mình vào bảng vàng “Doanh nghiệp xuất sắc châu Á” và “Thương hiệu truyền cảm hứng” của Asia Pacific Enterprise Awards (APEA) 2024...

Tetra Pak kỷ niệm 30 năm thành lập

Tetra Pak kỷ niệm 30 năm thành lập Tetra Pak Việt Nam

Với sứ mệnh "Bảo vệ chất lượng tốt: Thực phẩm, con người và hành tinh", Tetra Pak luôn hướng tới một tương lai bền vững, cung cấp thực phẩm an toàn và chất lượng, thúc đẩy hợp tác trong ngành, và dẫn dắt chuyển đổi bền vững mang lại lợi ích lợi tốt đẹp cho cộng đồng và môi trường.