Tiếp bài Bệnh viện Hồng Ngọc: Vi phạm Luật Khám, chữa bệnh!

Nhiều chuyên gia cho rằng Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc thu tiền khám, tư vấn sàng lọc giá cao và việc thu tiền mà không khám cho bệnh nhân là vi phạm nghiêm trọng Luật Khám chữa bệnh, không thể chấp nhận được.
Tiếp bài Bệnh viện Hồng Ngọc: Vi phạm Luật Khám, chữa bệnh!

Khó chấp nhận việc chỉ thu tiền mà không khám, tư vấn

Từ thực tế vụ việc thu tiền khám sàng lọc mà... không được khám diễn ra tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, để có cái nhìn khách quan hơn, Phóng viên Thương Gia đã trao đổi với Thạc sỹ Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề Y Dược tư nhân, Sở Y tế TP Hà Nội. Theo những thông tin Thạc sỹ Trung cung cấp, thực tế Bộ Y tế đã có nhiều văn bản áp dụng mức giá khám, chữa bệnh nhưng các mức giá mà Bộ Y tế quy định chỉ áp dụng đối với khối bệnh viện công lập. Còn Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc và những bệnh viện thuộc khối tư nhân khác do họ là các doanh nghiệp nên họ phải tự xây dựng giá phù hợp, bao gồm những vật tư và chi phí phát sinh để đảm bảo hoạt động theo đúng tinh thần của Luật Doanh nghiệp. Trước khi một bệnh viện tư nhân công bố giá khám, chữa bệnh họ còn có cả hội đồng của bệnh viện đánh giá tình hình và xây dựng giá dựa vào những chi phí thu, chi sao cho hợp lý.

Vẫn theo Thạc sỹ Trung, sau khi có mức giá khám, chữa bệnh các đơn vị tư nhân phải thực hiện niêm yết công khai và phải giải thích cặn kẽ cho người sử dụng dịch vụ. Khách hàng nếu đồng ý với mức giá do bệnh viện đưa ra thì khám, chữa bệnh. Trong trường hợp không đồng ý thì không sử dụng dịch vụ. Việc này cũng như khi chúng ta đi vào siêu thị thấy giá một mặt hàng cao hơn so với mặt bằng chung, chúng ta có thể không mua mặt hàng đó. Như vậy việc Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc thu 900.000 đồng tiền khám và tư vấn sàng lọc, chưa thể nói họ thu sai được, mà cần xét đến khía cạnh là họ có công khai giá và giải thích rõ ràng cho bệnh nhân trước khi tiến hành test nhanh hay xét nghiệm PCR không thôi.

Liên quan đến việc thu tiền của bệnh nhân mà không khám, tư vấn sàng lọc, Thạc sỹ Trung cho rằng 'Xét về đạo đức nghề nghiệp không ai có thể chấp nhận được việc đó. Việc này không chỉ người sử dụng dịch vụ bức xúc mà bản thân tôi cũng khó chấp nhận. Điều này chẳng khác nào như khi chúng ta vào quán ăn gọi món ăn nhưng không được ăn mà vẫn phải trả tiền. Dù là dịch vụ khám sức khỏe hay bất cứ dịch vụ gì làm sao mà chấp nhận được".

Thạc sỹ Trung nói tiếp, nếu việc này đúng như vậy Bệnh viện Hồng Ngọc phải trả lại tiền cho bệnh nhân và phải chấn chỉnh lại hoạt động của bệnh viện này. Xét theo Luật Khám, chữa bệnh và những quy định của luật pháp phải xử lý cá nhân y, bác sỹ trực tiếp thực hiện, tùy theo mức độ nặng nhẹ như thế nào sẽ xử phạt theo đúng khung quy định. Còn đối với bệnh viện, cần phải xem xét việc "thu phí mà không khám" có phải do ý chí chủ quan của y, bác sỹ hay có chỉ đạo từ lãnh đạo bệnh viện mới có cơ sở để xử lý.

Vi phạm nghiêm trọng Luật Khám, chữa bệnh!

Lập luận dưới góc nhìn của một Luật sư, bà Nguyễn thị Thúy Kiều – Giám đốc Công ty Luật Bắc Nam cho rằng: “Gói khám sàng lọc bao gồm chi phí cho sàng lọc, nhân sự tại khu sàng lọc, chi phí rủi ro cho nhân viên y tế cách ly, chi phí khử khuẩn, chi phí khai báo và khám sàng lọc và kèm theo việc lấy lại mẫu để test lần 2 miễn phí nếu dương tính lần 1”. Đây không phải là dịch vụ khám bệnh cho bệnh nhân, đây là chi phí của bệnh viện khi tổ chức khám chữa bệnh và đã nằm trong giá dịch vụ test nhanh hay test phân tử. Không phải mọi khách hàng tới test đều là nhiễm bệnh để phải khử khuẩn, phải sàng lọc cho nhân viên y tế, để phải cách ly... như vậy cách giải thích kiểu này của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc là không thoả đáng. Phí dịch vụ khám sàng lọc là phải thực hiện dịch vụ với bệnh nhân chứ ko phải bệnh nhân chi trả tiền khám bệnh cho nhân viên y tế.

Liên quan đến việc thu tiền mà không khám cho bệnh nhân, theo Luật sư Kiều, Luật Khám chữa bệnh 2009 quy định quyền của người bệnh như sau. Điều 7. Quyền được khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế: Được tư vấn, giải thích về tình trạng sức khỏe, phương pháp điều trị và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với bệnh; Được điều trị bằng phương pháp an toàn, hợp lý và có hiệu quả theo các quy định chuyên môn kỹ thuật.

Điều 11. Quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám bệnh, chữa bệnh: Được cung cấp thông tin tóm tắt về hồ sơ bệnh án nếu có yêu cầu bằng văn bản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Được cung cấp thông tin về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, giải thích chi tiết về các khoản chi trong hóa đơn thanh toán dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Như vậy, việc Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc thu tiền khám sàng lọc của bệnh nhân mà không khám là vi phạm nghiêm trọng Luật Khám, chữa bệnh. Các chi phí mà phía bệnh viện giải thích là các chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của bệnh viện, đã được cấu thành trong giá dịch vụ, không thể lẫn lộn với giá dịch vụ khám bệnh mà không khám trên thực tế.

Xem thêm

Sáng 26/7: Thêm 2.708 ca mắc COVID-19

Sáng 26/7: Thêm 2.708 ca mắc COVID-19

Sáng 26/7 Bộ Y tế cho biết có 2.708 ca mắc COVID-19, riêng TP. Hồ Chí Minh 1.714 ca. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng là 101.173 ca. 19.342 bệnh nhân đã chữa khỏi
Nga: Cựu chiến binh 102 tuổi chiến thắng Covid-19

Nga: Cựu chiến binh 102 tuổi chiến thắng Covid-19

Cựu chiến binh người Nga trong Thế chiến thứ hai Nikolai Bagayev nói rằng dường như đã “suýt chết” hai lần trong đời. Nhưng giờ đây, sau khi thoát cửa tử, ông cảm thấy "tôi như được tái sinh ở tuỏi 102".

Có thể bạn quan tâm