Tiếp tục sắp xếp các cơ quan báo chí theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng

Đến năm 2025, mỗi cơ quan báo chí có thể có nhiều sản phẩm báo chí (có 1 sản phẩm báo chí chính và có thể có một số sản phẩm báo chí khác)...

Tiếp tục sắp xếp các cơ quan báo chí theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có Tờ trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch).

Trên cơ sở ý kiến thống nhất tại cuộc họp với sự tham dự của cơ quan, đơn vị và các quy định, Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện dự thảo Quyết định Thủ tướng phê duyệt quy hoạch.

Theo dự thảo, đến năm 2025, tiếp tục tổ chức, sắp xếp hệ thống báo chí (báo in, tạp chí in, báo điện tử, tạp chí điện tử, phát thanh, truyền hình) theo hướng hội tụ, đa phương tiện, đa nền tảng, trong đó mỗi cơ quan báo chí có thể có nhiều sản phẩm báo chí (có 1 sản phẩm báo chí chính và có thể có một số sản phẩm báo chí khác).

Cụ thể, Đài Truyền hình Việt Nam là Đài Truyền hình quốc gia. Đài Tiếng nói Việt Nam là Đài Phát thanh quốc gia. Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thông tấn quốc gia.

Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện.

Ban Chấp hành Trung ương có Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản. Sau năm 2020, trên cơ sở lấy Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương) làm nòng cốt, hợp nhất tạp chí các Ban Đảng Trung ương để xây dựng một cơ quan báo chí tập trung, đa phương tiện.

Văn phòng Quốc hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước có 1 cơ quan báo và 1 cơ quan tạp chí.

Bộ, cơ quan ngang bộ có 1 cơ quan báo và 1 cơ quan tạp chí (với các bộ, cơ quan ngang bộ nếu tiếp nhận thêm cơ quan báo thuộc các tổ chức xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương, các doanh nghiệp thì được có tối đa 2 cơ quan báo nhưng chậm nhất đến năm 2025 phải hoàn thành việc sắp xếp còn 1 cơ quan báo).

Cơ quan thuộc Chính phủ (trừ Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam) có 1 cơ quan tạp chí. Quân khu, quân chủng có 1 cơ quan báo hoặc 1 cơ quan tạp chí. Tổng cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có 1 cơ quan tạp chí.

Mỗi tổ chức chính trị- xã hội trung ương có 1 cơ quan báo và 1 cơ quan tạp chí. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có 1 cơ quan báo trực thuộc Liên hiệp và một số cơ quan tạp chí của các hội thành viên.

Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam có 1 cơ quan báo và 1 cơ quan tạp chí. Mỗi tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương có 1 cơ quan tạp chí.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 1 cơ quan báo thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 1 cơ quan tạp chí văn học nghệ thuật (những tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch được có cơ quan tạp chí chuyên ngành), 1 đài phát thanh và truyền hình (mỗi đài chỉ có 1 kênh phát thanh, 1 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu).

Riêng Tp.Hồ Chí Minh có 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình. Tp.Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, mỗi đài có tối đa 2 kênh phát thanh, 2 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu. Các cơ quan cấp sở, ngành thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không có cơ quan báo chí…

Các cơ quan chủ quản có cơ quan báo, tạp chí xuất bản một loại hình (in hoặc điện tử), đáp ứng yêu cầu theo quy định, được xem xét xuất bản thêm loại hình báo chí còn lại.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg xuất hiện khó khăn vướng mắc trong việc sắp xếp các cơ quan báo chí trực thuộc Tp.Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (đến năm 2025, các địa phương, tổ chức này phải hoàn thành việc sắp xếp còn 1 cơ quan báo). Tuy nhiên, các địa phương, tổ chức này đều nêu những lý do đặc thù riêng và đề nghị được giữ nguyên như hiện tại)…

Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Tờ trình báo cáo lãnh đạo Chính phủ về việc triển khai sơ kết thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg. Trên cơ sở kết quả sơ kết, Bộ sẽ tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền, xem xét quyết định đối với đề xuất sắp xếp các cơ quan báo chí trực thuộc Tp.Hà Nội, Tp.HCM và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch theo ý kiến chỉ đạo, kết luận của lãnh đạo Chính phủ, đặc biệt quan trọng là đã tích hợp các nội dung Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 tại Quyết định số 362/QĐ-TTg quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 vào nội dung dự thảo quy hoạch.

Đối với Quyết định số 362/QĐ-TTg đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến, với những định hướng, phương án sắp xếp và lộ trình thực hiện đến năm 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan được giao, sẽ tiến hành sơ kết thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg và tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...