Tiếp tục tập trung thực hiện phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng

Hiện nay, các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện theo phương án cơ cấu lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc tiếp tục hoàn thiện, chỉnh sửa phương án cơ cấu lại sau khi có ý kiến của Ngân hàng Nhà nước...

Tiếp tục tập trung thực hiện phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo gửi Quốc hội về các nội dung đại biểu chất vấn liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, trong đó đề cập nhiều vướng mắc trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém.

Theo báo cáo của cơ quan này, ngày 08/6/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 689/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.

ĐÃ CHUYỂN GIAO 2 NGÂN HÀNG MUA LẠI BẮT BUỘC

Sau khi Đề án 689 được phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ: (i) Đẩy mạnh xử lý nợ xấu và các hạn chế, tồn tại trong hoạt động; (ii) triển khai chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các tổ chức tín dụng này từng bước phục hồi; (iii) hướng dẫn tổ chức tín dụng xây dựng, phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 nhằm bảo đảm phù hợp với mục tiêu, định hướng nêu tại Đề án 689.

Đến cuối tháng 12/2023, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn của toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 27,77%. Các tổ chức tín dụng về cơ bản đáp ứng quy định này (trừ một số tổ chức tín dụng yếu kém, được kiểm soát đặc biệt).

Hiện nay, các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện theo phương án cơ cấu lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc tiếp tục hoàn thiện, chỉnh sửa phương án cơ cấu lại sau khi có ý kiến của Ngân hàng Nhà nước.

Trong 3 ngân hàng thương mại được mua lại bắt buộc là CB, GPBank, OceanBank, Ngân hàng Nhà nước đã công bố Quyết định chuyển giao bắt buộc với CB và OceanBank. Đối với ngân hàng mua bắt buộc còn lại, Ngân hàng Nhà nước đang rà soát và thực hiện các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ phê duyệt Phương án chuyển giao bắt buộc.

Ngân hàng Nhà nước cho biết đến 30/6/2024, số lượng Quỹ tín dụng nhân dân phải xây dựng Phương án cơ cấu lại là 1.147/1.178 Quỹ. Trong đó, 1.143 Quỹ đã được phê duyệt phương án cơ cấu lại; 4 Quỹ chưa được phê duyệt (do 2 Quỹ tín dụng nhân dân vừa chấm dứt kiểm soát đặc biệt đang thực hiện xây dựng phương án cơ cấu lại và 2 Quỹ đang triển khai phương án xử lý pháp nhân theo hướng giải thể tự nguyện).

Nhìn chung, các tổ chức tín dụng đang tích cực triển khai phương án cơ cấu lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

CHUYỂN GIAO NGÂN HÀNG ĐÔNG Á CÒN NHIỀU VƯỚNG MẮC

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước nêu 4 khó khăn dẫn đến việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém kéo dài.

Thứ nhất, việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém) kéo dài, khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng thương mại và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.

Thứ hai, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng TMCP Đông Á nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài.

Thứ ba, việc phối hợp, tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý các ngân hàng yếu kém phức tạp, chưa có tiền lệ.

Thứ tư, năng lực một số cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, giám sát còn hạn chế trong điều kiện áp lực xử lý khối lượng công việc lớn, phức tạp, yêu cầu khẩn trương về tiến độ (vừa thực hiện công tác thanh tra, giám sát vừa thực hiện công tác cơ cấu lại ngân hàng yếu kém).

Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, đưa nợ xấu toàn hệ thống (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) ở mức dưới 3%, bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu.

Ngân hàng Nhà nước cho biết trong thời gian tới sẽ cùng với các bộ/ngành liên quan tìm cách tháo gỡ 4 vướng mắc nêu trên để đảm bảo mục tiêu tái cơ cấu các tổ chức tín dụng mà Đề án 689 đã đặt ra.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tập trung thanh tra chuyên đề đối với những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng như cấp tín dụng tập trung vào các khách hàng lớn tiềm ẩn rủi ro, nhóm khách hàng (cho vay khách hàng cá nhân lớn...); hoạt động tư vấn, giới thiệu liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và các dịch vụ tư vấn, giới thiệu khác; thanh tra xử lý nợ xấu và thu hồi nợ ngoại bảng sau khi xử lý rủi ro; thanh tra tỷ lệ sở hữu cổ phần, mua bán, chuyển nhượng cổ phần...

Công tác giám sát ngân hàng tiếp tục gắn kết chặt chẽ với công tác thanh tra. Nội dung giám sát không chỉ dừng ở việc giám sát tình hình tuân thủ, chấp hành các quy định về an toàn trong hoạt động mà còn chú trọng giám sát, đánh giá rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Qua đó đề xuất, định hướng các đối tượng, lĩnh vực cần tập trung thanh tra. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giám sát kịp thời hơn tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng, nâng cao hiệu quả phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...