Trong cuộc họp thường kì của Chính phủ tháng 4/2020, Thống đốc Lê Minh Hưng báo cáo Chính phủ về các vấn đề kiểm soát lạm phát, điều hành chính sách tiền tệ và an sinh xã hội thời gian qua.
Thống đốc cho biết theo số liệu mới cập nhật tính đến ngày 28/4/2020, tín dụng tăng 1,32% so với cuối năm 2019. Thị trường tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu, thanh khoản thị trường.
Mức tăng trưởng này tương đương với hơn 108.000 tỷ đồng đã được bơm ra thị trường (số dư nợ tín dụng cuối năm 2019 là gần 8,2 triệu tỷ đồng). Đà tăng trưởng có được là nhờ trong 2 tuần cuối tháng 4, các ngân hàng đã đẩy mạnh triển khai các gói cho vay ưu đãi để hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khắc phục khó khăn cũng như khôi phục sản xuất. Tính đến cuối tháng 4, các gói tín dụng được các ngân hàng công bố là hơn 650.000 tỷ đồng.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, theo báo cáo của Thống đốc NHNN, toàn ngành đã triển khai cho trên 170.000 khách hàng với tổng dư nợ xấp xỉ 130.000 tỷ đồng, đã miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho trên 14.000 khách hàng với dư nợ xấp xỉ 29.000 tỷ đồng; hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho khoảng 318.000 khách hàng với dư nợ trên 980.000 tỷ đồng (mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5-2%, thậm chí có một số TCTD đã hạ lãi suất từ 2,5-4%).
Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng đã cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch từ 1-2% cho khoảng 150.000 khách hàng với doanh số cho vay mới lũy kế kể từ 23/1 tới nay là trên 500.000 tỷ đồng.
Trước đó, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng đã cho biết trong năm nay dự kiến tín dụng toàn ngành sẽ tăng thêm cho nền kinh tế khoảng 900.000 tỷ đồng đến 1,1 triệu tỷ đồng, tương đương với mức tăng khoảng 11-14%.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến ngày 22/4, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,6% so với cùng kì, huy động vốn tăng 12,16%; tín dụng tăng nhẹ 0,99% so với cuối năm 2019. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VND của các tổ chức tín dụng giảm ở cả ngắn, trung và dài hạn.