Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV, mã: BID) vừa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 trong bối cảnh cả nước đón thông tin về bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 17.
Dù số lượng cổ đông đến không như dự kiến nhưng Đại hội vẫn diễn ra vì tỷ lệ tham dự được đảm bảo, điều này không không có gì đặc biệt vì dù là ngân hàng lớn, nhưng tỷ lệ sở hữu nhà nước và cổ đông chiến lược đủ và vượt qua xa mức yêu cầu.
Tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT Phan Đức Tú cho biết, năm 2020, kịch bản tăng trưởng tín dụng ngân hàng đặt ra đầu năm là 13% nhưng NHNN yêu cầu là 9%, bán lẻ sẽ được ưu tiên nhưng ưu tiên có chọn lọc hệ số rủi ro thấp.
Các chỉ tiêu khác được xác định là lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 12.500 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 1,7%; tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến 7%; tổng tài sản 1.568.000 tỷ đồng; mức thù lao HĐQT, Ban Kiểm soát năm 2020 mức tối đa 0,41% lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2020.
Liên quan tới vấn đề tăng vốn, phương án tăng vốn điều lệ cho năm 2020 dự kiến 6.230, vốn điều lệ dự kiến sau phát hành là 46.450 tỷ đồng (tăng 15,5% so với 31/12/2019).
Ông Tú cho biết thêm, kế hoạch lợi nhuận riêng lẻ của BIDV được đưa ra dựa trên cơ sở kịch bản dịch được kiểm soát tốt vào cuối tháng 3. Nhưng trước tình hình thực tế hiện nay cần phải xây dựng kịch bản xấu, xin phép cổ đông giao HĐQT, ban lãnh đạo điều chiẻnh kế hoạch kinh doanh trên nguyên tắc tốt nhất, đạt lợi nhuận cao nhất cho cổ đông.
Đề cập đến câu chuyện nợ xấu của ngân hàng, ông Tú cho biết là 9.312 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt của VAMC, nhưng trong đó ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro 6.300 tỷ đồng.
Đánh giá về tác động của dịch Covid-19 ông Tú cho biết, đây là đợt dịch có tác động rất lớn tới nền kinh tế đất nước. Ngay sau khi có dịch, BIDV đã chủ động báo cáo NHNN, xây dựng các biện pháp chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp. Triển khai khảo sát đánh giá nhu cầu của khách hàng, phân loại các nhóm nhu cầu khách hàng. Khách hàng có nhu cầu muốn vay mới thì được tiếp cận gói vay mới. Khách hàng muốn giãn nợ thì sẽ được giãn nợ và có thể được giảm lãi.
Mới đây, NHNN đã công bố gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, trong đó BIDV là 120 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên, hiện nay triển khai chính thức mới có 28.000 tỷ đồng. “BIDV sẽ xem xét tùy theo sức hấp thụ của từng khu vực kinh tế, từng doanh nghiệp để cấp tín dụng”, ông Tú cho hay.
Ngoài ra, BIDV có chương trình miễn phí giao dịch chuyển tiền, gửi tiền tài khoản online để khuyến khích người dân giảm giao dịch bằng tiền mặt.
Cũng theo người đứng đầu BIDV, trong 2 tháng đầu năm, ngân hàng hoạt động bình thường đáp ứng đủ mọi nhu cầu của khách hàng. Việc tín dụng của ngân hàng giảm gần 2%, huy động giảm 1,6%, tuy nhiên cũng là phù hợp với xu hướng chung hiện nay.
Điểm lại hoạt động của ngân hàng trong năm 2019, đại diện BIDV cho biết, tổng tài sản BIDV đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 13,5% so với năm 2018; tổng nguồn vốn huy động năm 2019 đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 12,1% so với năm 2018. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng; trong đó, dư nợ tín dụng đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 12,2% so với năm 2018, chiếm 13,8% thị phần tín dụng toàn ngành.
Về hiệu quả hoạt động, thu dịch vụ ròng của BIDV đạt 6.038 tỷ đồng, tăng trưởng 14,2% so với năm 2018, trong đó ghi nhận mức tăng tốt từ các dòng dịch vụ bán lẻ, ngân hàng hiện đại như thu dịch vụ thẻ, dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng điện tử…
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn hệ thống đạt 10.732 tỷ đồng, hoàn thành 104% kế hoạch ĐHCĐ giao,... ROA đạt 0,6%, ROE đạt 13,7%. BIDV thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, năm 2019 nộp 8.550 tỷ đồng; đảm bảo lợi ích tối đa của cổ đông, thực hiện chi trả cổ tức 2 năm 2017-2018 bằng tiền mặt với tổng giá trị 4.560 tỷ đồng, tỷ lệ chi trả đạt 7%/năm.