Một số ngân hàng được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn
Sáng 1/4, NHNN đã tổ chức họp báo nhằm thông tin về hoạt động điều hành chính sách tiền tệ và ngân hàng trong quý 1/2019.
Theo báo cáo, NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng cộ các công cụ CSTT để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, linh hoạt điều hành các công cụ CSTT để điều hoà thanh toán thị trường kịp thời với kỳ hạn hợp lý.
Đến 25/3/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,67% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 tăng 3,23%). Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm, 9-11%/năm đối với cho vay trung và dài hạn.
Trong 3 tháng đầu năm, dựa theo tình hình thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã “nới” tăng trưởng tín dụng cao hơn đối với TCTD thực hiện trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41.
"Nhờ đó, tính đến 25/3/2019, tín dụng toàn hệ thống đã tăng khoảng 2,28% so với cuối năm 2018. Theo kế hoạch, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng của hệ thống năm nay chỉ ở mức 14%.
Theo Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng, quý 1/2019 có điểm mới về điều hành CSTT về thời điểm, liều lượng khác nhau… nhưng vẫn xuyên suốt mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phát triển kinh tế, trọng tâm là điều hành tín dụng. Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn chủ yếu từ hệ thống ngân hàng.
Về tỷ lệ tín dụng trên GDP có xu hướng tăng, bà Hồng chia sẻ, “NHNN thấy rằng tỷ lệ tín dụng trên GDP như vậy cần phải kiểm soát chặt chẽ nên định hướng tăng tín dụng chỉ ở mức 14% trong năm 2019. Năm 2016 tỷ lệ tăng tín dụng/GDP chỉ ở mức 122%, đến năm 2017 tăng lên 130%, nhưng năm 2018 chúng tôi chủ trương không cho tăng nữa và kiểm soát chỉ ở mức này thôi, sẽ duy trì hợp lý trong năm nay”.
Bên cạnh đó, việc điều hành cơ cấu tín dụng tiếp tục theo hướng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh được ưu tiên, các dự án lớn trọng tâm, trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ nhằm hỗ trợ có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế.
Phó thống đốc cũng đề cập tới các dự báo của nhiều tổ chức quốc tế về kinh tế thế giới đang giảm tốc, ảnh hưởng Brexit, FED không tăng lãi suất trong năm 2019… Các ngân hàng trung ương nước ngoài có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ. “Tuy nhiên, các diễn biến này có vẻ không tác động tới điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Nhưng ở mặt khác, kinh tế thế giới giảm tốc sẽ có tác động tới hoạt động xuất khẩu… Do đó, NHNN sẽ linh hoạt điều hành CSTT làm sao để phù hợp với thực tế biến động, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, sản xuất kinh doanh”, bà Hồng nói.
Đáng chú ý, hoạt động xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 được thực hiện và đem lại kết quả khả quan. Theo đó, đến 31/1/2019, ước tính hệ thống đã xử lý được khoảng 204,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu ước đạt hơn 40,1% tổng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42. Riêng năm 2018 đã xử lý được khoảng 113,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
>> Kiến nghị cho phép thế chấp đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài