Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2023 qua con số

kinh-te-9-thang-nam-2023.jpg

Tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc và có xu hướng tăng tích cực trong 9 tháng năm 2023...

TỔNG SẢN PHẨM QUỐC NỘI

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm 2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, nhưng có xu hướng tăng tích cực (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%). GDP 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011 - 2023.

GDP của Việt Nam 9 tháng đầu năm 2023.jpg

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2023, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,51%; công nghiệp và xây dựng chiếm 37,16%; dịch vụ chiếm 42,72%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,61%.

Về sử dụng GDP 9 tháng năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,03% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 34,30% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 3,22%, đóng góp 19,35%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 5,79%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,19%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 46,35%.

THU - CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2023.jpg

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 9/2023 ước đạt 89,6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2023 ước đạt 1.223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 75,5% dự toán năm và giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số khoản thu chính như sau:

- Thu nội địa tháng 9/2023 ước đạt 73,9 nghìn tỷ đồng; lũy kế 9 tháng năm 2023 ước đạt 1.013,7 nghìn tỷ đồng, bằng 76% dự toán năm và giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước.

- Thu từ dầu thô tháng 9/2023 ước đạt 5,6 nghìn tỷ đồng; lũy kế 9 tháng năm 2023 ước đạt 46 nghìn tỷ đồng, bằng 109,5% dự toán năm và giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

- Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 9/2023 ước đạt 10 nghìn tỷ đồng; lũy kế 9 tháng năm 2023 ước đạt 163,8 nghìn tỷ đồng, bằng 68,5% dự toán năm và giảm 26,3% so với cùng kỳ năm trước.

Chi ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2023.jpg

Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 9/2023 ước đạt 156,1 nghìn tỷ đồng; lũy kế 9 tháng năm 2023 ước đạt 1.239,4 nghìn tỷ đồng, bằng 59,7% dự toán năm và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi thường xuyên 9 tháng năm 2023 ước đạt 801,9 nghìn tỷ đồng, bằng 68,4% dự toán năm và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước; chi đầu tư phát triển đạt 363,3 nghìn tỷ đồng, bằng 50% và tăng 43,5%; chi trả nợ lãi 72,3 nghìn tỷ đồng, bằng 70,3% và giảm 0,3%.

CHỈ SỐ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TĂNG TÍCH CỰC

Chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam trong 9 tháng năm 2023.jpg

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2023 ước tính tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước (quý I giảm 0,75%; quý II tăng 0,95%; quý III tăng 4,57%). Trong đó, chỉ số sản xuất 9 tháng năm 2023 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 9,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 8,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 7,4%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 6,2%...

Một số sản phẩm công nghiệp tăng cao trong 9 tháng đầu năm 2023.jpg

Trong quý III/2023, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học đã có những dấu hiệu khởi sắc khi chỉ số IIP tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I giảm 5,4%; quý II giảm 3,6%); tính chung 9 tháng năm 2023 giảm 2,2%.

Một số sản phẩm công nghiệp giảm trong 9 tháng đầu năm 2023.jpg

Ngoài ra, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 9 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Đường kính tăng 37,1%; phân hỗn hợp NPK tăng 18,6%; ti vi tăng 10,1%; thuốc lá điếu tăng 9,6%; sơn hóa học tăng 9,1%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 8,3%; thép cán tăng 7,1%... Ở chiều ngược lại, cũng có một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Ô tô giảm 19,3%; thép thanh, thép góc giảm 14,4%; điện thoại di động giảm 12,8%; xe máy giảm 8,4%; giày, dép da giảm 5,3%...

XUẤT - NHẬP KHẨU


Các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2023.jpg

Trong quý III năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 94,6 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,3% so với quý II năm 2023.

Kinh ngạch xuất khẩu một số mặt hàng 9 tháng đầu năm 2023.jpg

Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 68,86 tỷ USD, giảm 5,7%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 190,81 tỷ USD, giảm 9,1%, chiếm 73,5%.

Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng 9 tháng đầu năm 2023.jpg

Về kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, trong quý III năm 2023, ước đạt 86 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 11% so với quý II năm 2023. Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 237,99 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 85,12 tỷ USD, giảm 11,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 152,87 tỷ USD, giảm 14,9%.

HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ SÔI ĐỘNG HƠN THÁNG TRƯỚC

chỉ số CPI của Việt Nam 9 tháng đầu năm 2023.jpg

Hoạt động thương mại tháng 9 khởi sắc hơn tháng trước là do có kỳ nghỉ lễ 2/9 và học sinh bước vào năm học mới. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 9 tháng đầu năm 2023.jpg

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Chín ước đạt 524,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, vật phẩm văn hóa, giáo dục phục vụ năm học mới tăng khá cao và các dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tiếp tục duy trì xu hướng tích cực.

Trong quý III/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.550,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với quý trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

VẬN TẢI HÀNH KHÁCH VÀ HÀNG HÓA

Như đã nói ở trên, do có kỳ nghỉ lễ nên nhu cầu đi lại trong tháng 9 tăng cao hơn tháng trước nên hoạt động vận tải trong tháng duy trì tốc độ tăng tích cực so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng năm 2023, vận tải hành khách ước đạt 3.406 triệu lượt khách, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 49%) và luân chuyển đạt 184 tỷ lượt khách/km, tăng 27,9% (cùng kỳ năm trước tăng 73,7%). Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 3.394,5 triệu lượt khách, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước và 150,5 tỷ lượt khách/km luân chuyển, tăng 11,7%; vận tải ngoài nước ước đạt 11,5 triệu lượt khách, gấp 4 lần và 33,5 tỷ lượt khách/km luân chuyển, gấp 3,7 lần cùng kỳ năm trước.

Tình hình vận tải hàng hóa trong 9 tháng đầu năm 2023.jpg

Về vận tải hàng hóa, tính chung 9 tháng năm 2023, ước đạt 1.686,2 triệu tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 22,7%) và luân chuyển 359,8 tỷ tấn/km, tăng 12,5% (cùng kỳ năm trước tăng 31,7%). Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 1.653,1 triệu tấn vận chuyển, tăng 14,8% và 226,4 tỷ tấn/km luân chuyển, tăng 16,6%; vận tải ngoài nước ước đạt 33,1 triệu tấn vận chuyển, tăng 2,8% và 133,4 tỷ tấn/km luân chuyển, tăng 6,2%.

Xét theo ngành vận tải, hầu hết các ngành đường 9 tháng năm 2023 có tốc độ tăng tích cực so với cùng kỳ năm trước do vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước tăng. Riêng vận tải đường sắt tiếp tục giảm mạnh do các đơn hàng xuất, nhập khẩu giảm và khó khăn khi cạnh tranh với vận tải đường thủy do chi phí cao hơn.

KHÁCH QUỐC TẾ ĐẾN VIỆT NAM

Khách quốc tế đến việt nam trong 9 tháng đầu năm 2023 phân theo phương tiện đến.jpg

Trong tổng số 8,9 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 7,8 triệu lượt người, chiếm 87,5% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 4,7 lần cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt hơn 1 triệu lượt người, chiếm 11,8% và gấp 4,9 lần; bằng đường biển đạt 64 nghìn lượt người, chiếm 0,7% và gấp 129,6 lần.

Khách quốc tế đến việt nam 9 tháng đầu năm 2023 phân theo vị trí địa lý.jpg

Số lượt người Việt Nam xuất cảnh trong tháng 9/2023 là 501,4 nghìn lượt người, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 3,8 triệu lượt người, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước.

HOẠT ĐỘNG DOANH NGHIỆP

Trong tháng 9/2023, cả nước có 12.684 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 117,2 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 80 nghìn lao động, giảm 9,7% về số doanh nghiệp, giảm 13,4% về vốn đăng ký và tăng 0,1% về số lao động so với tháng 8/2023. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 10,6% về số doanh nghiệp, giảm 13,9% về số vốn đăng ký và tăng 29,3% về số lao động.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 4,1% so với tháng trước và giảm 22,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong tháng, cả nước còn có 5.808 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,2% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Tình hình thành lập doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2023.jpg

Cũng trong tháng 9/2023, có 4.124 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 20,4% so với tháng trước và tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2022; có 5.273 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 1,1% và tăng 25,9%; có 1.441 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 4,8% và giảm 4,9%.

Tính chung 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 75,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước; 46,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,9%; 13,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,3%. Bình quân một tháng có 15 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

VỀ VỐN FDI ĐĂNG KÝ CẤP MỚI

Địa phương thu hút vốn FDI đăng ký cấp mới trong 9 tháng đầu năm 2023.jpg

Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/9/2023 bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 2.254 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 10,23 tỷ USD, tăng 66,3% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 43,6% về số vốn đăng ký.

7 địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI đăng ký cấp mới là Bắc Giang; Nghệ An; Bắc Ninh; Quảng Ninh; Bình Phước; Hải Phòng và Long An.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…