Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 10/9

Phát biểu tại buổi họp báo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết hai bên thống nhất cho rằng quan hệ Việt Nam - Mỹ đã có những bước phát triển mạnh mẽ, sâu sắc, thực chất, hiệu quả kể từ khi bình thường hóa và sau khi xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden chủ trì họp báo chung.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden chủ trì họp báo chung.

Chiều tối 10/9, sau lễ đón chính thức và cuộc hội đàm cấp cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden đã phát biểu với báo chí thông tin về kết quả tốt đẹp của cuộc hội đàm và thông báo hai bên đã thông qua Tuyên bố chung, nâng tầm quan hệ Việt Nam-Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững.

Thương gia trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden.

Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

Thưa Ngài Tổng thống Mỹ Joe Biden

Thưa các quý vị,

Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng Ngài Tổng thống Joe Biden - người đã dành tình cảm đặc biệt đối với đất nước, nhân dân Việt Nam và đã có nhiều đóng góp quan trọng trên những cương vị khác nhau cho việc phát triển quan hệ hữu nghị Việt Nam - Mỹ. Chuyến thăm của Ngài Tổng thống đến Việt Nam lần này có ý nghĩa đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 10 năm xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện.

Tôi luôn lưu giữ những kỷ niệm tốt đẹp về sự đón tiếp trọng thị của Chính phủ Mỹ và tình cảm của nhân dân Mỹ trong chuyến thăm của tôi vào tháng 7-2015, đặc biệt là cuộc trao đổi chân tình, thú vị giữa tôi và Ngài Joe Biden trong chuyến thăm. Tôi cũng cảm ơn Ngài Tổng thống Joe Biden tháng 6 vừa qua đã gửi thư mời tôi thăm lại Mỹ.

Trong không khí hữu nghị, bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôi và Ngài Tổng thống Joe Biden vừa có cuộc hội đàm sâu rộng, đạt kết quả tốt đẹp. Hai bên thống nhất cho rằng quan hệ Việt Nam - Mỹ đã có những bước phát triển mạnh mẽ, sâu sắc, thực chất, hiệu quả kể từ khi bình thường hóa và sau khi xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện.

Nhân dịp này, tôi xin được thay mặt nhân dân Việt Nam gửi lời chào và cảm ơn các tổ chức, cá nhân Mỹ đã ủng hộ Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển của quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Trên cơ sở đó, vì lợi ích của nhân dân hai nước và mong muốn tăng cường hợp tác vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trong bối cảnh mới, tôi và Ngài Tổng thống Joe Biden đã thay mặt hai nước thông qua Tuyên bố chung, nâng tầm quan hệ quan hệ Việt Nam-Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững.

Quan hệ đối tác đó tiếp tục dựa trên cơ sở tôn trọng đầy đủ những nguyên tắc cơ bản định hướng cho quan hệ hai nước trong thời gian qua, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng sự hiểu biết lẫn nhau, hoàn cảnh của nhau, tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là những nguyên tắc cơ bản, luôn có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ hai nước và quan hệ quốc tế. Việt Nam đánh giá cao và coi trọng khẳng định của Mỹ ủng hộ một nước Việt Nam "mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng".

Các nội hàm của mối quan hệ đối tác mới kế thừa những nội dung hợp tác hiện có giữa hai nước và đưa lên tầm cao mới thông qua việc thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư theo hướng đổi mới sáng tạo là nền tảng, trọng tâm và động lực của quan hệ hai nước; tăng cường hợp tác khoa học - công nghệ là đột phá mới của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững. Trong thời gian tới, các cơ quan liên quan của hai nước sẽ phối hợp triển khai thực hiện các thỏa thuận đã đạt được.

Việt Nam thúc đẩy quan hệ với Mỹ và các đối tác quốc tế khác theo tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ sau khi Việt Nam giành lại độc lập là Việt Nam làm bạn với tất cả các nước. (1) Đối với Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam và Việt Nam sẵn sàng hợp tác đầy đủ với Mỹ; nền độc lập và hợp tác đó có lợi cho toàn thế giới. (2) Chúng ta đều biết rằng trong nhiều năm tháng sau đó nhân dân Việt Nam đã phải trải qua muôn vàn hy sinh, gian khổ để bảo vệ độc lập, thống nhất đất nước.

Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng xác định chủ trương đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trong khuôn khổ của đường lối đối ngoại nhất quán là độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Ngài Tổng thống Joe Biden và tôi đã thông tin cho nhau về tình hình hai nước, bày tỏ sự trân trọng đối với những nỗ lực và kết quả tích cực đạt được về phát triển kinh tế-xã hội ở mỗi nước. Đối với các tình hình phức tạp và xung đột quốc tế, Việt Nam mong muốn các bên đối thoại, giải quyết hòa bình trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Tôi mong rằng qua chuyến thăm quan trọng và đầy nghĩa này, Ngài Tổng thống, các quý vị trong đoàn và tất cả các bạn có thêm dịp để cảm nhận trực tiếp về đất nước Việt Nam đổi mới, phát triển năng động, có nền văn hiến, lịch sử lâu đời và người dân Việt Nam giàu tình cảm, hiếu khách, hữu nghị và yêu chuộng hòa bình.

Tôi tin rằng chuyến thăm Việt Nam của Ngài Tổng thống Joe Biden sẽ thành công tốt đẹp. Xin chúc Ngài Tổng thống những thành công mới và chúc Ngài, các quý vị trong đoàn, các bạn có mặt ở đây và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc.

Toàn văn phát biểu của Tổng thống Joe Biden:

Thưa ngài Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cảm ơn ngài vì sự tiếp đón nồng ấm và chân tình mà ngài dành cho tôi ở Việt Nam vào thời điểm mang tính lịch sử này. Và ngày hôm nay chúng ta có thể nhìn lại cung đường 50 năm của mối quan hệ giữa hai nước.

Chúng ta đã đi từ xung đột cho tới bình thường hóa quan hệ và giờ đây chúng ta sẽ nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước nhằm thúc đẩy an ninh và thịnh vượng tại một trong những khu vực quan trọng nhất trên thế giới. Chúng ta sẽ nâng cấp quan hệ hai nước lên đến mức là quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và chúng tôi rất vui vì điều này. Đây là bước đi vô cùng thiết yếu với hai nước, thể hiện sức mạnh của bản thân quan hệ hai nước vào lúc chúng ta đang phải đương đầu với thách thức có tác động lớn tới quan hệ trong khu vực và trên thế giới.

Chúng ta sẽ làm sâu sắc thêm hợp tác trong lĩnh vực công nghệ trọng yếu và mới nổi, đặc biệt là trong việc xây dựng một chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu tốt hơn cho ngành công nghiệp bán dẫn. Chúng ta cũng mở rộng mối quan hệ đối tác kinh tế để nhằm thúc đẩy hơn nữa đầu tư và thương mại giữa hai nước.

Tôi xin lấy một ví dụ, là năm ngoái một công ty Việt Nam đã ký một thỏa thuận trị giá 4 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô điện và ắc quy tại tiểu bang Bắc Carolina tại Mỹ. Và điều này cũng tạo ra 7.000 công ăn việc làm. Các công ty công nghệ Việt Nam có tầm cỡ thế giới đã và sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ và chúng tôi sẽ có thêm nhiều hợp đồng thương mại quan trọng nữa sẽ được ký kết nhân chuyến thăm này.

Chúng ta đang nỗ lực xử lý cuộc khủng hoảng khí hậu, tăng tốc việc chuyển dịch của Việt Nam sang sử dụng năng lượng sạch, tăng cường an ninh kinh tế toàn cầu và thúc đẩy điều trị ung thư và HIV/AIDS, về tăng cường hợp tác an ninh giữa hai nước bao gồm cả việc chống buôn người. Tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền con người.

Điều quan trọng nhất là chúng tôi sẽ tăng cường hoạt động giao lưu nhân dân, vì đây là trọng tâm của mối quan hệ giữa chúng ta, điều này bao gồm cả hàng triệu người dân Mỹ gốc Việt đang góp phần xây dựng cộng đồng trên toàn nước Mỹ ngày càng mạnh mẽ hơn, và tôi thực sự mong chờ kết quả cuộc hội đàm này. Chỉ năm nay thôi, trường đại học Fulbright do Mỹ hỗ trợ đã chứng kiến lớp sinh viên đầu tiên ra trường và chúng ta đang thực sự nỗ lực mở rộng trường này. Và cả Silicon Valley cũng đang tham gia vào đây.

Và chúng tôi cũng đang đầu tư để phát triển mạnh mẽ hơn lực lượng lao động lành nghề trong các ngành học tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán và thúc đẩy trao đổi giáo dục. Và để các nhà khoa học khi lập nghiệp và khi đổi mới sáng tạo thì có thể hợp tác với nhau.

Và tôi xin nói lời kết, đó là tất cả những gì đạt được 50 năm qua không hề ngẫu nhiên hay là tất yếu mà đòi hỏi nỗ lực của các nhà lãnh đạo hai nước trong nhiều năm, bao gồm cả người bạn của tôi hôm nay là Cựu thượng nghị sĩ và cũng là cựu ngoại trưởng Mỹ, đó là ông John Kerry, người đang là đặc phái viên của tổng thống về biến đổi khí hậu…

Chúng tôi cũng đạt được điều này nhờ một người bạn nữa, mà người này không còn có mặt trên đời với chúng ta… và người mà tôi sẽ tới thăm ở đài kỷ niệm ngày mai, đó là cố Thượng nghị sỹ John Mc Cain. Nhưng họ cũng như tôi và nhiều người khác nhìn được nhiều lợi ích chúng ta thu được khi vượt qua quá khứ đau thương. Đây là lý do tôi quyết định tranh cử thượng nghị sĩ năm 1972 vì tôi muốn kết thúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

10 năm trước đây khi tôi là Phó tổng thống, lúc đấy chúng ta đã đạt được một cột mốc lớn khi chúng ta xác lập mối quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước. Tôi vô cùng tự hào về cách thức mà hai quốc gia và nhân dân hai nước chúng ta đã tiến hành xây dựng lòng tin, và sự hiểu biết lẫn nhau để nhằm có thể xử lý các hậu quả đau đớn mà cuộc chiến tranh đã để lại cho cả hai dân tộc chúng ta.

Những công việc của chúng ta đã hứa là sẽ tiếp tục bao gồm việc rà phá vật liệu nổ còn sót lại từ chiến tranh, tẩy rửa ô nhiễm môi trường do dioxin gây ra, mở rộng chương trình giúp đỡ người khuyết tật và tìm kiếm, quy tập những người lính Mỹ vẫn còn mất tích từ hồi chiến tranh ở Việt Nam cũng như những bộ đội Việt Nam còn mất tích trong cuộc chiến tranh này.

Sự hợp tác của chúng ta trên những vấn đề đau thương này cũng như việc xây dựng một di sản mới, một di sản của nền hòa bình và thịnh vượng chung là một minh chứng.

Đây cũng là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng, những gì chúng ta đạt được khi có thể vượt lên một quá khứ đau thương để đón nhận một tương lai của tiến bộ, dựa trên sự thống nhất và đoàn kết của hai dân tộc. Một lần nữa, tôi xin cảm ơn ngài Tổng Bí thư. Việt Nam là một quốc gia quan trọng trên thế giới và trong khu vực. Tôi trông đợi và đón chờ một chương mới trong quan hệ của hai nước chúng ta.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…