Tổng Cục thống kê cảnh báo xuất siêu chưa bền vững

Trong tháng 10, cả nước ước xuất siêu 2,27 tỷ USD. Lũy kế 10 tháng, cả nước ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD.

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10 năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 58,27 tỷ USD, xấp xỉ với tháng trước (tăng nhẹ 70 triệu USD). Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu tăng 1,5% và tổng trị giá nhập khẩu giảm 1,3%.

Tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 10 tháng tăng hơn 14% về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu tăng 15,9% và tổng trị giá nhập khẩu tăng hơn 12%.

Như vậy, trong tháng 10 cả nước ước xuất siêu 2,27 tỷ USD. Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 10 năm 2022, cả nước ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD.

Còn theo số liệu từ Tổng Cục thống kê, tính chung 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 616,24 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,9%; nhập khẩu tăng 12,2%.

Trong đó, xuất khẩu ước đạt 312,82 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước; có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,1%).

Về nhập khẩu, 10 tháng năm 2022 nhập khẩu ước đạt 303,42 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước; có 44 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 04 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,7%). 

Xuất siêu phụ thuộc vốn FDI
Tổng Cục thống kê nhận định xuất siêu phụ thuộc nhiều vào vốn FDI

Tổng Cục thống kê nhận định, kể từ tháng 7/2022 trở lại đây, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư ngày càng tăng. Nếu như 6 tháng đầu năm, cả nước xuất siêu 742 triệu USD thì sau 7 tháng, mức xuất siêu là 1,1 tỷ USD, 8 tháng xuất siêu 3,9 tỷ USD, 9 tháng xuất siêu 7,1 tỷ USD vào sau 10 tháng thì xuất siêu đạt 9,4 tỷ USD.

Tổng Cục thống kê cũng cảnh báo, xuất khẩu tăng trưởng cao, xuất siêu ấn tượng nhưng chưa thật sự bền vững do còn thiếu sự cân đối về cơ cấu thị trường, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu và cơ cấu chủ thể xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI (chiếm 74,3%), tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường và các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết. Ví dụ như mặt hàng rau quả, 10 tháng năm 2022, xuất khẩu rau quả của Việt Nam chỉ đạt 2,8 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ. Dù xuất khẩu rau quả sang nhiều thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, EU… tăng mạnh, nhưng do thị trường Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu đã kéo kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả đi xuống.

Có thể bạn quan tâm