Tổng giám đốc Vietcombank nói gì về tăng trưởng tín dụng năm 2024?

Chính sách tiền tệ ổn định và mặt bằng lãi suất cho vay thấp là những yếu tố then chốt để giúp tín dụng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024...

vietcombank-2789.jpeg

Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên bước sang tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Thậm chí, tại hội nghị mới đây do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, một số đại diện ngân hàng tiên lượng khả năng hấp thụ tín dụng thấp trong năm nay.

Liên quan đến diễn biến trên, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank đã có cuộc trao đổi với báo chí về xu hướng tín dụng của ngân hàng năm 2024.

Tăng trưởng tín dụng toàn ngành tính đến cuối tháng 1/2024 là con số âm. Trong bối cảnh Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề tăng trưởng tín dụng, từ phía Vietcombank đã có những giải pháp nào để thúc đẩy dòng vốn ra thị trường?

Chúng tôi luôn tiên phong triển khai hạ lãi suất cho vay, duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp nhất thị trường, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Trong năm 2023, Vietcombank đã 5 lần giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp và 13 lần giảm lãi suất cho vay với khách hàng cá nhân. Đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã về mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua, thấp hơn cả giai đoạn đại dịch Covid-19.

Năm 2024, Vietcombank sẽ thường xuyên tổ chức hội nghị, chương trình làm việc với khách hàng để nắm bắt khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình cấp tín dụng và kịp thời xử lý, tháo gỡ. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ chủ động rà soát quy trình tín dụng với định hướng đơn giản hóa, rút ngắn thủ tục cho vay trên cơ sở đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

Vietcombank luôn chú trọng phát triển và hoàn thiện các giải pháp công nghệ nhằm hỗ trợ/thay thế các khâu tác nghiệp thủ công hiện hành; đồng thời, nghiên cứu áp dụng chữ ký số trong công tác thẩm định tín dụng nhằm tiến tới số hóa toàn phần các công việc trong quy trình tín dụng, rút ngắn thời gian tác nghiệp, xóa bỏ các trở ngại cả về không gian và thời gian khi xem xét cấp tín dụng cho khách hàng.

Với định hướng xây dựng các sản phẩm, chương trình phù hợp nhất với nhu cầu của khách hàng, Vietcombank phân đoạn khách hàng theo đặc điểm, tính chất, nhu cầu để thiết kế các chính sách, chương trình, sản phẩm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng nhưng vẫn đảm bảo quản trị rủi ro tín dụng.

Để tín dụng của hệ thống ngân hàng nói chung, trong đó có Vietcombank tăng trưởng mạnh mẽ hơn, theo ông, cần giải pháp gì?

Để tạo tâm lý yên tâm đầu tư cho các doanh nghiệp và người dân trong thời gian tới, Vietcombank kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách quản lý tiền tệ ổn định, tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục kiến nghị với Chính phủ và các địa phương kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, đặc biệt pháp lý đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư mới và mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh kịp theo đúng tiến độ.

nguyen-thanh-tung-3300.jpeg
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank

Xung quanh vấn đề công khai lãi suất cho vay, Vietcombank cho rằng, công khai lãi suất cho vay đối với các khách hàng cá nhân sẽ được các tổ chức tín dụng nghiêm túc triển khai. Tuy nhiên, đối với khách hàng doanh nghiệp sẽ khó thực hiện hơn vì lãi suất cho vay khách hàng doanh nghiệp phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau như sử dụng tổng thể các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, tài sản bảo đảm…

Chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ, ngân hàng số. Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện và ban hành khung pháp lý cho việc xác thực người dùng với các nền tảng công nghệ đặc thù như hệ thống xác thực sinh trắc học, chứng minh thư điện tử, chữ ký số và các vấn đề pháp lý có liên quan khác.

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và có chủ trương, chính sách cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm... nhằm hỗ trợ phát triển dịch vụ ngân hàng số, tài chính số, thúc đẩy phổ cập tài chính, ưu tiên chia sẻ dữ liệu nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử (e-KYC).

Chính phủ và các cơ quan quản lý cần ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy một số doanh nghiệp đầu tàu Việt Nam vươn tầm quốc tế, tiên phong mở đường cho nhiều doanh nghiệp khác mở rộng kinh doanh và hội nhập quốc tế.

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần tạo điều kiện cho Vietcombank nói riêng và các ngân hàng thương mại Nhà nước nói chung được tăng vốn tối đa từ nguồn lợi nhuận sau thuế và sau trích lập các quỹ dự phòng. Vấn đề này sẽ giúp các ngân hàng thương mại Nhà nước có đủ nguồn lực cần thiết để đảm bảo năng lực cạnh tranh, mở rộng phạm vi hoạt động, duy trì và phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước và kinh tế nhà nước theo đúng định hướng của Đảng.

Ông có thể chia sẻ về định hướng tăng trưởng tín dụng của ngân hàng trong năm 2024?

Chúng tôi tiếp tục tập trung tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Hiện dư nợ tín dụng các lĩnh vực ưu tiên của Vietcombank đạt gần 420.000 tỷ đồng, chiếm 35% dư nợ của Ngân hàng.

Bên cạnh đó, Vietcombank tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các khách hàng nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án trọng điểm, dự án lớn... có vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội tại các địa phương và cả nước. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực như hạ tầng giao thông hàng không/cảng biển, lĩnh vực năng lượng, dầu khí, bất động sản khu công nghiệp…

Đồng thời, chúng tôi tập trung cho vay các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp FDI nằm trong chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu và đẩy mạnh cho vay nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội. Tính đến nay, có gần 20 dự án nhà ở xã hội đã tiếp cận vốn vay của Vietcombank, bao gồm cả dự án đầy đủ hồ sơ pháp lý và dự án đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý. Theo đó, nhu cầu vay vốn để đầu tư các dự án nêu trên với dư nợ vay ước tính hơn 10.000 tỷ đồng.

Đối với gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản, Vietcombank không gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách và đến hết 31/1/2024, dư nợ theo Chương trình đã đạt 1.900 tỷ đồng, tương đương 129% quy mô của Chương trình. Vietcombank sẵn sàng tăng quy mô và kéo dài thời gian triển khai Chương trình.

Cho vay hợp vốn đối với các dự án lớn luôn được Vietcombank quan tâm và tích cực triển khai trong thời gian qua, với vai trò là ngân hàng đầu mối thu xếp vốn cho nhiều dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia. Cho vay theo chuỗi cũng được chúng tôi tích cực triển khai theo định hướng kết nối chuỗi khách hàng bán buôn với khách hàng bán buôn, khách hàng bán buôn với các khách hàng bán lẻ…

Chúng tôi sẽ triển khai ứng dụng mô hình định lượng khai thác dữ liệu lớn trong thẩm định tín dụng, cải tiến phương thức cho vay bán lẻ như phát triển phương thức cấp tín dụng trên kênh số.

Đặc biệt, Vietcombank cam kết tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, phấn đấu duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp so với mặt bằng chung trên thị trường, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Hiện tại, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại Nhà nước chỉ ở mức khoảng 9%, thấp hơn so với nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân (bình quân khoảng 12,3%) và thấp hơn nhiều so với các ngân hàng trong khu vực ASEAN (bình quân 17 - 20%).

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...