Lãnh đạo các ngân hàng nói gì khi tăng trưởng tín dụng âm trong tháng 1/2024?

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, việc nhiều doanh nghiệp có khả năng quản trị thấp, sức khỏe yếu nhưng lại có sự đan xen các báo cáo tài chính giữa văn bản và thực tế không đồng nhất, dẫn tới các ngân hàng còn khó khăn trong việc quyết định cấp tín dụng...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Tính đến cuối tháng 1/2024, tín dụng giảm 0,6%
Tính đến cuối tháng 1/2024, tín dụng giảm 0,6%

Sáng 20/1, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024. Số liệu được công bố cho biết, tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên bước sang tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.

Chia sẻ tại hội nghị về tình hình tín dụng tăng trưởng âm, ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho hay, điểm nghẽn chính đó là sự giảm sút trong nhu cầu hấp thụ tín dụng của doanh nghiệp do tác động của các yếu tố kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước.

"Sự ổn định và phát triển trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng cũng như toàn nền kinh tế", ông Sơn nói.

Hiện lãi suất cho vay đã giảm, song nhu cầu vốn của thị trường chưa cao. Do đó, lãi suất không còn là vấn đề đối với người đi vay trong bối cảnh hiện nay mà chủ yếu là làm thế nào để kích cầu được sức mua. Mặc dù cần đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, song các ngân hàng cũng thận trọng cho vay để kiểm soát rủi ro nợ xấu, do đó không thể đẩy mạnh cho vay bằng mọi giá.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank

Còn lãnh đạo Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, tổng dư nợ của toàn hệ thống BIDV đến thời điểm hết tháng 1/2024 đạt 1.725.000 tỷ đồng, giảm khoảng 1,25% so với cuối năm 2023. Song vị này cũng nhấn mạnh: "Đây là mức giảm thường lệ như những năm trước".

Về nguyên nhân giảm, lãnh đạo BIDV đồng tình với lãnh đạo VietinBank và cho rằng, việc giảm tín dụng trong những tháng đầu năm 2024 chủ yếu do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế năm 2024 kém.

Thậm chí, vị này còn đánh giá, diễn biến này sẽ còn kéo dài trong những tháng tới. Bởi lẽ, các động lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất công nghiệp, đầu tư tư nhân còn chậm. Ngoài ra, hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như vướng mắc về pháp lý, môi trường kinh doanh, chi phí logistics tăng lên do chiến tranh, trong khi thị trường đầu ra chưa được khơi thông.

Để minh hoạ thêm về khó khăn của doanh nghiệp, lãnh đạo BIDV lấy dẫn chứng từ số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cụ thể, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1/2024 tăng 2,2% so với tháng trước và tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng số doanh nghiệp tạm ngưng kinh doanh tăng cũng tăng 25% cùng kỳ.

"Năng lực tài chính của doanh nghiệp bị giảm sút, khả năng chịu đựng yếu, cũng như nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xăng dầu, điện, đối mặt với rủi ro về mặt pháp lý dẫn đến quy mô nợ xấu gia tăng và tỷ lệ bao trùm nợ xấu tại các ngân hàng giảm. Bên cạnh đó, các khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 02 đến hạn trong năm 2024 và 2025, nên áp lực giảm nợ khi đến hạn sẽ rất lớn", lãnh đạo BIDV nhấn mạnh.

Ngoài nguyên nhân khách quan, lãnh đạo BIDV cũng nói thêm về nguyên nhân chủ quan khiến tín dụng đi lùi. Đó là việc nhiều doanh nghiệp có khả năng quản trị thấp, sức khỏe yếu, có sự đan xen các báo cáo tài chính giữa văn bản và thực tế không đồng nhất, dẫn tới nhiều khó khăn trong đánh giá và cấp tín dụng cho các doanh nghiệp này còn khó.

Hay như một tình trạng khác là doanh nghiệp đã vay của nhiều tổ chức tín dụng khác nhau, khi một doanh nghiệp đã được 4 ngân hàng có vốn Nhà nước cho vay thì các ngân hàng cổ phần nhỏ cũng cho vay mà không cần thế chấp hay có các biện pháp bảo đảm. Vì vậy, việc quản lý dòng tiền, hạn mức, quản lý khoản phải thu của các tổ chức tín dụng khó khăn.

Mặc dù xu hướng tín dụng giảm trong tháng 1/2024 là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, vẫn có một vài ngân hàng tiếp tục duy trì được đà tăng tín dụng. Điển hình như LPBank. Ông Hồ Nam Tiến, Tổng giám đốc ngân hàng cho hay, đến hết tháng 1/2024, tăng trưởng tín dụng của LPBank đạt gần 10.000 tỷ đồng, tương đương 3%, mức tăng trưởng khá tốt so với cùng kỳ năm trước.

Sau khi nghe phát biểu của các ngân hàng thương mại, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh công tác tín dụng sẽ tiếp tục là hoạt động trọng tâm trong năm 2024.

Theo Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động thông báo mức tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng, dựa trên xếp loại sức khỏe các ngân hàng. Do đó, các tổ chức tín dụng đã có thể đề ra chủ động kế hoạch kinh doanh, điều hành.

Thống đốc lưu ý, năm nay các tổ chức tín dụng phải có những đánh giá, nhận diện đầy đủ để tăng trưởng tín dụng bám sát thực tế; tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, để từ đó giảm lãi suất cho vay đối với người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, các tổ chức tín dụng phải cân đối nguồn vốn huy động, nguồn vốn cho vay để đảm bảo kiểm soát các rủi ro như về tín dụng, thanh khoản…

Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xác định điều hành tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; nghiên cứu đổi mới công tác điều hành tăng trưởng tín dụng. Thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Có thể bạn quan tâm