Năm 2023: Tăng trưởng tín dụng khoảng 13,5%, lãi suất huy động và cho vay giảm hơn 2%

Đây là số liệu được Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Năm 2023: Tăng trưởng tín dụng khoảng 13,5%, lãi suất huy động và cho vay giảm hơn 2%

Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 13,5%, thấp hơn con số định hướng 14%.

"Tăng trưởng tín dụng thấp hơn định hướng nhưng chênh lệch không lớn. Bởi lẽ, kinh tế còn khó khăn khiến cầu tín dụng rất thấp. Do đó, 13,5% vẫn là con số khá tích cực sau loạt chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ", ông Tú nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Tú cũng cho hay, để đẩy nhanh tín dụng theo chỉ đạo, trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng, tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trong đó, đặc biệt là tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cho vay, đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt hồ sơ vay, đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn quốc; gia tăng các chương trình, sản phẩm tín dụng đặc thù, ưu đãi..., tạo điều kiện thuận lợi hơn để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Nhiều chương trình tín dụng được triển khai nhằm thực hiện tốt chính sách xã hội, góp phần thực hiện thành công 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhìn lại diễn biến lãi suất trong năm 2023, ông Tú cho hay, Ngân hàng Nhà nước liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường.

Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022.

Về điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình trong và ngoài nước, góp phần hấp thụ các cú sốc bên ngoài, giữ ổn định được thị trường ngoại tệ và hạn chế được các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, ổn định giá trị đồng tiền; thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.

Sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm. Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng khả quan; năm 2023, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng từ 50,3-99,1%, giá trị tăng từ 5,4-10,8% tùy phương thức thanh toán; các hệ thống thanh toán được vận hành ổn định, thông suốt và an toàn.

Nhìn chung, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 3,2-3,4%. Hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối và Ngân hàng Nhà nước đã mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Lạm phát ổn định, dự trữ ngoại hối gia tăng là những yếu tố góp phần để Fitch nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm