Top 10 ngân hàng dẫn đầu về số dư tiền gửi khách hàng trong quý 1/2025

Trong quý đầu năm 2025, VPBank bất ngờ khi vượt ACB và Techcombank về tiền gửi khách hàng, trong khi Vietcombank ghi nhận đà giảm nhẹ, ngược dòng với xu hướng tăng tại nhiều ngân hàng lớn...

Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều đã công bố báo cáo tài chính quý 1 và 3 tháng đầu năm 2025. Báo cáo cũng tiết lộ một trong những tiêu chí quan trọng là lượng tiền gửi khách hàng tại các ngân hàng này trong kỳ kinh doanh vừa qua.

TOP 10 NGÂN HÀNG HÚT TIỀN GỬI KHÁCH HÀNG NHIỀU NHẤT QUÝ 1/2025

Theo số liệu từ Thương Gia tổng hợp từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết, tổng số dư tiền gửi khách hàng tại các ngân hàng đã tăng 2,4% so với hồi đầu năm, tức tăng thêm 272.000 tỷ đồng và đạt 11.407.434 tỷ đồng.

Dẫn đầu về quy mô tiền gửi tiếp tục là những cái tên quen thuộc. Top 10 ngân hàng có tiền gửi khách hàng cao nhất tính đến cuối tháng 3/2025 bao gồm: BIDV, VietinBank, Vietcombank, MB, Sacombank, VPBank, ACB, Techcombank, SHB, HDBank.

Xét về số dư tuyệt đối, BIDV hiện đang dẫn đầu toàn ngành với gần 2 triệu tỷ đồng tiền gửi, tăng 1,2%, tương đương 23.776 tỷ đồng so với đầu năm.

VietinBank và Vietcombank lần lượt đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba trong nhóm Big4 cũng như toàn ngành ngân hàng. Trong đó, VietinBank ghi nhận số dư tiền gửi ở mức 1,62 triệu tỷ đồng, tăng 0,9%; còn ngân hàng Vietcombank đạt 1,5 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ 0,4% so với đầu năm nay.

Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần, MB tiếp tục chiếm vị trí dẫn đầu về lượng tiền gửi với số dư đạt 722.622 tỷ đồng, tăng 1,2% so với đầu năm. Tuy nhiên, nếu so sánh với nhóm các ngân hàng quốc doanh, số dư tiền gửi của MB vẫn chưa bằng một nửa và đứng ở vị trí thứ 4 so với toàn bộ các ngân hàng Việt theo khảo sát.

Xếp ở vị trí thứ 5 và 6 về số dư tiền gửi khách hàng lần lượt thuộc về Sacombank và VPBank. Cụ thể, Sacombank ghi nhận 585.569 tỷ đồng, tăng 3,3% so với hồi đầu năm, còn VPBank ghi nhận 552.374 tỷ đồng, tăng 13,7%.

Ngân hàng Techcombank đứng ở vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng cùng số dư tiền gửi đạt 531.583 tỷ đồng trong quý 1 vừa qua. Một ngân hàng khác ghi nhận mức tiền gửi trên 500.000 tỷ đồng là SHB với 530.116 tỷ đồng, tăng 6%. Vị trí chót bảng trong danh sách 10 ngân hàng có lượng tiền gửi lớn nhất quý 1/2025 là HDBank với 465.321 tỷ đồng, tương ứng tăng 6,4%.

Xét về tốc độ tăng trưởng, phần lớn các ngân hàng đều ghi nhận mức tăng tiền gửi so với cùng kỳ. Trong đó, VPBank là ngân hàng có số dư tiền gửi tăng nhanh nhất, cao hơn đầu năm 13,7%, tương ứng 66.707 tỷ đồng. Nhờ đó, VPBank tăng 3 bậc thứ hạng, từ vị trí thứ 9 (quý 4/2024) lên thứ 6 (quý 1/2025). Theo VPBank, huy động vốn tăng trưởng mạnh mẽ nhờ đa dạng chính sách cũng như tung ra các sản phẩm mới để thu hút khách hàng. Đặc biệt, huy động vốn tăng nhưng chi phí vốn được kiểm soát, duy trì ngang so với quý liền trước.

Theo sau là ngân hàng KienlongBank với số dư tiền gửi vào cuối tháng 3 đạt 70.990 tỷ đồng, tăng 11,8%. Kế đến là Nam A Bank tăng 11,4%, đạt 176.386 tỷ đồng. Các ngân hàng cũng có mức tăng cao khác như VietBank (tăng 8,6%), PGBank (tăng 7,8%), NCB (tăng 6,7%), HDBank (Tăng 6,4%), OCB (tăng 6,1%, SHB (tăng 6%).

Ở chiều ngược lại, có 5 ngân hàng ghi nhận mức giảm tiền gửi, trong đó, "ông lớn" Vietcombank giảm nhẹ 0,4%, tương đương hơn 5.500 tỷ đồng. Điều này có thể do ngân hàng cơ cấu nguồn vốn huy động, trong bối cảnh dư nợ cho vay khách hàng cũng chỉ tăng nhẹ 1,2% trong 3 tháng đầu năm. Bù lại sự sụt giảm tiền gửi khách hàng, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại Vietcombank tăng mạnh 56% lên 121 nghìn tỷ đồng

Một số ngân hàng khác cũng sụt giảm tiền gửi khách hàng như Techcombank giảm 0,3%, tương đương gần 1.800 tỷ đồng. Trong khi đó, TPBank giảm 4%, SeABank giảm 4,9%, ABBank giảm 1,1%.

LÃI SUẤT HUY ĐỘNG CÓ THỂ ĐẢO CHIỀU VÀO CUỐI NĂM

Theo thống kê của Chứng khoán KBSV, tính đến tháng 5/2025, mặt bằng lãi suất cho vay trung bình trong toàn hệ thống giảm khoảng 0,4 điểm phần trăm so với đầu năm.

Lãi suất cho vay bình quân hiện đang ở mức khoảng khoảng 8%/năm đối với các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn và 9 - 10%/năm đối với quy mô trung bình. Lãi suất cho vay giảm trong bối cảnh lãi suất huy động vẫn đang được “ghìm” ở mức thấp.

Thống kê từ Wichart cho thấy, đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ đã giảm từ 5,26%/năm vào đầu tháng 1/2025 xuống còn 5,21%/năm tính đến ngày 7/5. Cùng kỳ, lãi suất huy động của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn giảm từ 4,86%/năm xuống 4,75%/năm.

Đối với kỳ hạn 6 - 9 tháng, lãi suất huy động của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn giảm từ 4,25%/năm vào đầu năm xuống còn 4,21%/năm tính đến ngày 7/5, trong khi nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ giảm từ 4,8%/năm xuống 4,78%/năm.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng Big4 không có nhiều sự điều chỉnh trong lãi suất huy động tính từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, dư địa cắt giảm lãi suất của các ngân hàng không còn nhiều trong nửa cuối năm 2025. Trong báo cáo về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất sẽ có nhiều sức ép trong thời gian tới.

Nguyên nhân là do lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm sâu thời gian qua trong khi nhu cầu vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng dự kiến gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025.

Bên cạnh đó, huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng có thể bị ảnh hưởng và cạnh tranh từ các kênh đầu tư khác (như bất động sản, thị trường chứng khoán), buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động khiến dư địa giảm lãi suất cho vay bị thu hẹp.

Ở chiều quốc tế, mặt bằng lãi suất thế giới có xu hướng giảm nhưng vẫn duy trì ở mức cao và thị trường tài chính toàn cầu khó đoán định sau khi Mỹ tuyên bố chính sách thuế đối ứng.

Ở góc độ của các ngân hàng thương mại, việc giảm lãi suất huy động nhằm tạo không gian để hạ lãi suất cho vay đang đặt ra một số thách thức cho các ngân hàng thương mại, đặc biệt là ảnh hưởng đến biên lãi ròng (NIM) và khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Trước những biến động hiện tại, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường và tình hình kinh tế trong nước cũng như quốc tế để điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán MB (MBS) dự báo lãi suất đầu vào nhiều khả năng sẽ nhích dần trở lại vào cuối năm. Nguyên nhân là kỳ vọng vào đà phục hồi của nền kinh tế, cũng như khả năng tăng trưởng tín dụng có thể đạt, thậm chí vượt mục tiêu 16% đã đề ra.

Tính đến cuối tháng 3, tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống đã tăng 3,93% so với cuối năm 2024, cao hơn 2,5 lần so với cùng kỳ. MBS dự báo. tăng trưởng tín dụng năm 2025 sẽ đạt mức 17 – 18%, được dẫn dắt bởi sự hồi phục của ngành sản xuất, tiêu dùng nội địa và tốc độ giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh.

"Trong kịch bản tích cực, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng lớn sẽ dao động trong khoảng 5,5% - 6% trong năm 2025", báo cáo của MBS nhận định.

Có thể bạn quan tâm