Thủ tướng vừa có quyết định phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Dương đến năm 2040. Theo đó, phạm vi khu vực lập điều chỉnh quy hoạch là toàn bộ ranh giới hành chính TP Hải Dương gồm 19 phường và 6 xã với diện tích tự nhiên là 111,68 km2.
Việc điều chỉnh quy hoạch nhằm phát triển TP Hải Dương với những vị thế và xu hướng phát triển mới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá.
Đồng thời xây dựng TP Hải Dương hướng tới một đô thị văn minh, xanh, thân thiện với môi trường. Hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện đại; làm cơ sở pháp lý để triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng và các dự án đầu tư xây dựng.
Theo quyết định, TP Hải Dương là đô thị tỉnh lỵ của tỉnh Hải Dương, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch, khoa học và công nghệ, giáo dục - đào tạo, dịch vụ của tỉnh Hải Dương và của vùng; là đô thị xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống; là trung tâm tăng trưởng kinh tế, đô thị có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương và vùng lân cận…
Theo dự báo phát triển sơ bộ, dự kiến đến năm 2030 khoảng 595.000 người; đến năm 2040 dân số toàn TP Hải Dương khoảng 669.000 người.
Về quy mô đất đai phát triển đô thị, TP Hải Dương dự kiến đến năm 2030 đất xây dựng khoảng 5.500 - 6.500 ha. Trong đó, đất dân dụng khoảng 3.500 - 4.000 ha, đất ngoài dân dụng khoảng 2.000 - 2.500 ha.
Đến năm 2040, đất xây dựng khoảng 7.000 - 8.000 ha. Trong đó, đất dân dụng khoảng 4.200 - 4.700 ha, đất ngoài dân dụng khoảng 2.700 - 3.200 ha.
Theo Quyết định, sẽ đánh giá tổng quan về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương, thành phố Hải Dương, thực trạng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu; hiện trạng dân cư, lao động; đánh giá thực trạng phát triển hệ thống hạ tầng xã hội trên địa bàn; xác định những vấn đề còn tồn tại để bổ sung, đầu tư xây dựng đáp ứng tiêu chuẩn đô thị loại I của thành phố.
Về dự báo và đề xuất mô hình phát triển, dự báo phát triển đến năm 2030, năm 2040 dựa trên các tiềm năng và thế mạnh về vị trí địa lý, đặc trưng, truyền thống văn hóa lịch sử; xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật có liên quan; phân tích đánh giá mô hình phát triển đô thị đã được đề xuất trong Quy hoạch năm 2017, đề xuất những điều chỉnh cần thiết hướng tới đô thị xanh, thông minh.
Về định hướng phát triển không gian, đề xuất định hướng phát triển không gian nông thôn và vùng ven đô, tổ chức phát triển các làng nghề đi đôi với bảo tồn nhằm phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử hiện có đồng thời làm nổi bật vai trò trung tâm hợp tác liên kết phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng.