TP.HỒ CHÍ MINH: Siêu dự án chống ngập 10.000 tỉ nguy cơ “đắp chiếu”

Hai tháng nay, công trình chống ngập 10.000 tỉ ở TPHCM dù đã hoàn thành 72% khối lượng nhưng phải ngừng thi công vì thiếu vốn.
TP.HỒ CHÍ MINH: Siêu dự án chống ngập 10.000 tỉ nguy cơ “đắp chiếu”

Trong khi chủ đầu tư chờ UBND TPHCM xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án để được ngân hàng “bơm” vốn, thành phố lại nói không chịu trách nhiệm về việc này. Dự án được kỳ vọng nhất để giải quyết tình trạng ngập lụt của TPHCM rơi vào bế tắc.

Chưa biết khi nào thi công lại

Ngày 28.6, có mặt tại công trình thi công cống kiểm soát triều Bến Nghé (nối quận 1 và quận 4) - một trong số hạng mục của dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét tới biến đổi khí hậu” do Tập đoàn Trung Nam (Trung Nam Group) đầu tư, nơi đây khá im ắng.

Không có công nhân làm việc, máy móc được rút khỏi công trường, chỉ lèo tèo vài công nhân ở bảo vệ công trình. Cống kiểm soát triều này chiếm dụng toàn bộ chiều ngang rạch Bến Nghé nên không ghe thuyền nào qua lại được trong giai đoạn thi công.

Tại cống kiểm soát triều Tân Thuận (nối quận 4 và quận 7), tình hình cũng không khả quan hơn. Từ mép bờ phía quận 4 ra gần giữa kênh đã được thi công đóng các cọc sắt kéo dài gần 100m, lấn ra kênh Tẻ chừng 30m với nhiều cần cẩu, sà lan nằm bất động, vật tư bỏ ngổn ngang.

Còn phía bờ quận 7, một hàng cọc sắt dài cũng đã được đóng lấn ra kênh nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy hạng mục này đang thi công. Trong khi đó, cống Phú Xuân (quận 7) đã gần như hoàn thiện nhưng vẫn nằm “bất động” vì đã ngừng thi công.

Với mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, dự án được đầu tư 6 cống kiểm soát triều cùng gần 8km đê bao và là hợp phần trong quy hoạch thủy lợi chống ngập úng ở TPHCM. Mục tiêu của dự án là kiểm soát ngập do triều cường tại các quận 1, 4, 7, 8 và hai huyện Nhà Bè, Bình Chánh...

Không chỉ giải quyết ngập do triều, dự án còn được cho hỗ trợ chống ngập do mưa vì tại mỗi cống kiểm soát triều đều được trang bị máy bơm “khủng” để bơm nước mưa từ các kênh, rạch ra ngoài.

Theo cam kết của nhà đầu tư, nếu địa phương bàn giao mặt bằng sớm thì sẽ đưa toàn bộ công trình vào hoạt động đúng dịp 30.4.2018. Tuy vậy, hồi 2.2018, đại diện Trung Nam Group cho biết do chưa được bàn giao mặt bằng nên công trình không thể hoàn thành kịp như đã cam kết. Đến cuối tháng 4.2018, nhà đầu tư lại có văn bản thông báo việc tạm dừng thi công toàn bộ công trình.

Theo chủ đầu tư, nguyên nhân do UBND TPHCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân để thực hiện thủ tục tái cấp vốn. Việc chậm xác nhận báo cáo cho vay này đã xảy ra từ tháng 9.2017 khiến ngân hàng thông báo tạm dừng cấp vốn cho dự án. Đại diện chủ đầu tư cho biết hiện dự án đã đạt khoảng 72% khối lượng thi công nhưng do thiếu vốn, chủ đầu tư không thể tiếp tục triển khai.

Không về đích đúng hẹn

Sau khi nhận được thông báo của chủ đầu tư, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì buổi họp khẩn, yêu cầu Sở Tài chính phối hợp cùng các sở, ngành liên quan trong vòng 1 tuần phải xử lý xong các thủ tục giải ngân cho dự án. Tuy nhiên đến nay đã gần hai tháng, phía chủ đầu tư vẫn chưa nhận được phản hồi từ Sở Tài chính.

Đáng chú ý, tại cuộc họp về tình hình chống ngập nước mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết thành phố sẽ không chịu trách nhiệm về các vướng mắc thủ tục của dự án. Đây là dự án triển khai theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) nên khi công trình hoàn thành thì thành phố mới nghiệm thu, có kết quả thành phố mới thanh toán cho nhà đầu tư theo đúng cam kết trong hợp đồng.

“Chủ đầu tư vay vốn từ ngân hàng nên yêu cầu thành phố xác nhận về mặt khối lượng để hoàn tất giải ngân. Thành phố biết cái gì, kiểm tra xong phần nào thì đã xác nhận phần đó. Vướng mắc thủ tục đơn vị phải chịu trách nhiệm” - ông Tuyến nói.

Về việc này, đại diện Trung Nam Group nói trong quá trình thực hiện dự án, phía tập đoàn đã cung cấp đầy đủ và nhanh chóng toàn bộ hồ sơ và thủ tục cần thiết liên quan đến vốn giải ngân, gửi thành phố nhưng chưa được phản hồi.

Ngoài ra, chủ đầu tư cho biết, đến nay quỹ đất thanh toán theo hợp đồng vẫn chưa được thống nhất. Vì thế, phía chủ đầu tư chưa có đất thế chấp để được đơn vị tài trợ vốn là ngân hàng giải ngân. Đơn vị này đã nhiều lần có văn bản gửi UBND TPHCM xem xét tháo gỡ và vẫn đang chờ đợi.

Mới đây, Cty TNHH Trung Nam BT 1547 (thuộc Trung Nam Group - đơn vị thực hiện dự án), vừa tiếp tục kiến nghị UBND TPHCM sớm giải quyết những vướng mắc liên quan đến việc dự án này vì đang dừng thi công kéo dài, hiện vẫn chưa xác định thời gian thi công trở lại.

Theo Cty Trung Nam BT 1547, hiện nay nhân sự của dự án từ 2.200 người giảm xuống chỉ còn 400 người để duy trì, chờ thủ tục giải ngân nguồn vốn của dự án… Do đó, nếu các vướng mắc của dự án được giải quyết thông suốt, để khởi động lại việc thi công phải mất một thời gian.

Ngoài ra, mặt bằng phục vụ thi công cũng chưa được bàn giao đầy đủ (theo cam kết, các địa phương phải giao mặt bằng từ tháng 7.2017). Với những lý do trên, Cty Trung Nam BT 1547 cho rằng nhiều khả năng dự án sẽ không hoàn thành đúng tiến độ, kết thúc vào giữa năm 2019 như hợp đồng ký kết.

Theo TS Phạm Sanh, cả nguyên nhân do chủ đầu tư nêu ra và lời giải thích của lãnh đạo thành phố đều lơ lửng, không rõ ràng. Trong hợp đồng chắc chắn đã nêu rõ những vấn đề về thanh toán, giám sát, xác nhận khối lượng thi công, điều kiện tạm dừng dự án…; căn cứ vào đó để xác định trách nhiệm của từng bên và việc cần làm để giải quyết vướng mắc.

“Không phải tự nhiên mà TPHCM lại chần chừ không chịu ký xác nhận báo cáo khối lượng của dự án. Có thể do trong quá trình thi công, chủ đầu tư thay đổi thiết kế hoặc có những hạng mục không đạt tiêu chuẩn.

Nhưng TPHCM cũng phải nói rõ nguyên nhân là gì, tại sao không ký, thiết kế cần bổ sung cái gì... Muốn nghiệm thu được cần kiểm tra, xác nhận chỗ nào… phải nói rõ, trao đổi trực tiếp với chủ đầu tư để hai bên cùng tìm phương án giải quyết” - ông Sanh nói.

Theo Lao động

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…