Tranh chấp dự án ngàn tỷ ở Long An: CPL đầu tư chui và chuyển tiền bất hợp pháp vào Việt Nam?

Hơn 12 năm hiện diện tại Việt Nam, tuy nhiên China Policy Limited (CPL) lại không đăng ký đầu tư kinh doanh, có nghĩa không có tư cách pháp nhân, nhưng vẫn chuyển cả chục triệu USD một cách “bất hợp
Tranh chấp dự án ngàn tỷ ở Long An: CPL đầu tư chui và chuyển tiền bất hợp pháp vào Việt Nam?

Nhiều cơ quan báo chí cũng đã chỉ ra CPL là doanh nghiệp được lập tại “thiên đường thuế”, có dấu hiệu đầu tư “chui”, chuyển tiền “lậu” vào Việt Nam. Hành vi này cần phải được cơ quan chức năng điều tra, xử lí nghiêm. 

Cụ thể, ngày 7/11/2018, Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an đã có Văn bản số 1606/ANCTNB-P4, xác định: “Về tư cách pháp nhân: CPL đăng kí trụ sở hoạt động tại Vistra Corporate Services Centre, Wickhams Cay, Road Town, Tortola, VG1110, British Virgin Islands (BVI). Đến nay CPL không có thông tin về đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh và chưa được cấp phép hoạt động thương mại tại Việt Nam”. 

Văn bản của Bộ Công an còn xác định CPL là công ty con của Chuang’s Consortium International Limited (Công ty Chuang’s). Công ty mẹ Chuang’s đăng ký thành lập tại Bermudam cũng là một “thiên đường thuế” như BVI. Các công ty đăng ký giao dịch tại BVI và Bermuda nhằm phục vụ cho “những mục đích đặc biệt” (“Special Purpose Vehicle”)…

Đầu tư chui

Năm 2005, Công ty CP Địa ốc Hồng Phát được UBND tỉnh Long An giao cho 273 ha của giai đoạn I thực hiện Dự án Khu dân cư cao cấp và Trường đua ngựa tại huyện Đức Hoà, tỉnh Long An. Nhận thấy quy mô, tính khả thi của Dự án, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn hợp tác với Công ty Hồng Phát để cùng triển khai, trong đó có CPL.

Ngày 1/6/2007, Công ty CP Địa ốc Hồng Phát (Công ty Hồng Phát) và CPL kí “Thỏa thuận khung”, với nội dung: Tổng số vốn đầu tư ban đầu cho Dự án là 140 triệu USD; hai bên dự định sẽ kí kết một hợp đồng thành lập “Công ty liên doanh” với vốn điều lệ 21,4 triệu USD, trong đó Công ty Hồng Phát góp 30% bằng giá trị quyền sử dụng đất, CPL góp 70% bằng tiền mặt sau khi dự án được cấp quyền sử dụng đất. CPL tạm ứng 15,6 triệu USD (được tính vào tiền góp vốn của CPL khi thành lập Công ty liên doanh) để trả cho các khoản chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, hoàn thành thủ tục cấp quyền sử dụng đất,…

Dự án đang đi theo hướng tốt đẹp thì năm 2008 xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, CPL đã bỏ rơi đối tác tại Việt Nam, chính quyền tỉnh Long An ban hành quyết định thu hồi dự án, vì đầu tư dang dở. Đứng trước thế “tiến thoái lưỡng nan”, chủ đầu tư là Công ty CP Địa ốc Hồng Phát phải tự bơi, huy động hàng trăm tỷ đồng nộp thuế đất, san lấp mặt bằng để dự án không bị thu hồi. Đồng thời, Công ty Hồng Phát nhận thấy CPL vào Việt Nam với mục tiêu “đầu cơ” chứ không phải “đầu tư” nên đã gửi văn bản không tiếp tục hợp tác với CPL, xem khoản tiền mà CPL chuyển vào dự án là một khoản nợ sẽ trả lại sau.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, thì việc Ký thoả thuận khung giữa CPL và Công ty CP Địa ốc Hồng Phát là “không hợp lệ” và không đúng với pháp luật Việt Nam. Vì tại thời điểm kí “Thoả thuận khung”, CPL chưa có tư cách pháp nhân tại Việt Nam, không lập các thủ tục “đăng kí đầu tư” cũng như “thẩm tra đầu tư” để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, là vi phạm Luật Đầu tư năm 2005.

Theo Luật sư Trần Hải Đức, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, việc hợp tác đầu tư vào Dự án năm 2007, CPL phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam, bao gồm Luật Đầu tư năm 2005 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2006) và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Tại Điều 46 Luật Đầu tư năm 2005, quy định: Đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài quy mô dưới 300 tỉ đồng thì nhà đầu tư phải làm thủ tục đăng ký đầu tư tại cơ quan nhà nước quản lí đầu tư cấp tỉnh để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Hồ sơ đăng ký đầu tư bao gồm: Tư cách pháp lý của nhà đầu tư; Mục tiêu, quy mô và địa điểm thực hiện dự án đầu tư; Vốn đầu tư, tiến độ thực hiện dự án; Nhu cầu sử dụng đất và cam kết về bảo vệ môi trường… Đối với dự án quy mô từ 300 tỷ đồng trở lên thì phải thực hiện thủ tục “thẩm tra đầu tư” theo Điều 47 Luật Đầu tư năm 2005. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thẩm tra và cấp Giấy chứng nhận đầu tư. 

Ngoài ra, để tránh tình trạng đầu tư “chui” và phát sinh tranh chấp, tại khoản 4 Điều 45 Luật Đầu tư năm 2005 quy định điều kiện bắt buộc là: “Nhà đầu tư đăng ký đầu tư trước khi thực hiện dự án đầu tư”. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam còn phải tuân thủ theo Điều 50: Phải có dự án đầu tư và làm thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra đầu tư tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. 

Chuyển tiền bất hợp pháp

Theo “Thỏa thuận khung”, CPL đã chuyển trực tiếp 15,6 triệu USD từ nước ngoài vào Việt Nam. Trong đó, có 13 triệu USD chuyển cho Trung tâm Dịch vụ tư vấn nhà đất tỉnh Long An để làm kinh phí bồi thường cho các hộ dân có nhà đất.

Hành vi chuyển tiền vào Việt Nam bằng hình này của CPL theo các chuyên gia kinh tế và luật sư là “bất hợp pháp” và không đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Do đó cần phải điều tra làm rõ hành vi trốn thuế, rửa tiền?

Qua nghiên cứu vụ việc, Luật sư Trần Hải Đức cho rằng, việc CPL chuyển tiền cho Trung tâm Dịch vụ tư vấn nhà đất tỉnh Long An là vi phạm nghiêm trọng Thông tư 03/2004/TT-NHNN ngày 25/5/2004 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam. Theo Thông tư này, nhà đầu tư nước ngoài bắt buộc phải mở tài khoản “góp vốn, mua cổ phần bằng đồng Việt Nam” tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam. Mọi hoạt động liên quan đến thu chi đều phải qua tài khoản này.

Công ty Hồng Phát khẩn trương triển khai dự án đầu năm mới

Luật sư Phan Văn Bé, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu phân tích: Liên quan đến vụ việc này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản số 2463/BKHĐT-PC ngày 17/4/2018, hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng quy định của pháp luật đầu tư: Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài không thực hiện thủ tục đăng kí hoặc thẩm tra để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư khi bỏ vốn vào dự án tại Việt Nam thì không có cơ sở để tổ chức, cá nhân này thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư đối với dự án đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư. Đến thời điểm hiện tại, việc CPL hợp tác với Công ty Hồng Phát cũng chưa lập thủ tục đăng kí đầu tư, vi phạm Luật Đầu tư năm 2005.

Luật sư Nguyễn Minh Tường, Công ty Luật Phan Nguyễn, TP Hồ Chí Minh, CPL đã chuyển ngoại tệ vào Việt Nam khi chưa được cấp phép đầu tư tại Việt Nam cũng như chưa được phép hoạt động thương mại tại Việt Nam là trái với quy định của pháp luật về đầu tư và thương mại. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần phải làm rõ nguồn gốc số ngoại tệ mà CPL chuyển vào Việt Nam để giải quyết theo quy định.

Theo Luật sư Hà Thị Thanh, Chủ tịch Hội đồng  thành viên Công ty Luật Song Thanh, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, CPL chuyển tiền vào Việt Nam để cùng Hồng Phát hợp tác đầu tư dự án nhưng chưa thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Căn cứ vào Văn bản số 2463/BKHĐT-PC ngày 17/4/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì chưa có cơ sở xác định việc chuyển vốn này là hoạt động đầu tư vào Dự án đầu tư với tư cách nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư.

Như vậy, việc CPL ký “Thoả thuận khung” và chuyển 15,6 triệu USD vào dự án không được xem là hoạt động đầu tư tại Việt Nam, do không tuân thủ theo pháp luật Việt Nam về thương mại và đầu tư.

Ai đang tiếp tay và chống lưng cho CPL?

Sau khi dư luận phản ánh có dấu hiệu đầu tư “chui”, chuyển tiền “lậu”, ngày 11/1/2019, CPL đã nộp hồ sơ xin phép  hoạt động đến Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh. Ngày 22/1/2019, CPL được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp “Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu” thành lập Công ty TNHH CHINA POLICY (VIỆT NAM).

Ngày 29/1/2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu” cho Công ty TNHH China Policy (Việt Nam), tên tiếng nước ngoài là “CHINA POLICY (VIETNAM) LIMITED LIABILITY COMPANY” (gọi tắt CHINA POLICY LTD). Vốn điều lệ của Công ty TNHH China Policy (Việt Nam) là 23,3 tỷ đồng, tương đương 1 triệu USD, do CPL góp 100%.

Trang 1- Giấy chứng nhận đăng ký  doanh nghiệp ngày 29/1/2019 của CPL 

Trang cuối - Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 29/1/2019 của CPL sau 12 năm đầu tư chui và chuyển tiền lậu vào Việt Nam?

Ngày 26/2/2019, CPL có văn bản gửi Hồng Phát nêu một loạt vấn đề, kèm theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đại diện Công ty Hồng Phát cho biết: “Nội dung văn bản dài 5 trang; cuối văn bản, ông Alan Tong Kwok Lun ký tên “nhân danh CPL” nhưng lại sử dụng con dấu của Công ty TNHH CHINA POLICY (VIỆT NAM) để đóng vào văn bản. Công ty Hồng Phát hết sức bất ngờ về tình tiết “râu ông nọ cắm cằm bà kia” này trong văn bản của CPL; văn bản có dấu hiệu trái quy định của pháp luật Việt Nam.”

Trang 1 - Văn bản đề ngày 26/2/2019 của CPL gửi Công ty Hồng Phát nhưng đóng dấu Công ty TNHH CHINA POLICY (VIỆT NAM)

Trang cuối - Văn bản đề ngày 26/2/2019 của CPL gửi Công ty Hồng Phát nhưng đóng dấu Công ty TNHH CHINA POLICY (VIỆT NAM)

Điều này cũng đồng nghĩa, sau hơn 12 năm không hề có tư cách pháp nhân tại Việt Nam, đầu tư chui, chuyển tiền lậu, nhưng CPL lại có thể ung dung mang đơn khiếu kiện gửi khắp các cơ quan chức năng, tố cáo Công ty Hồng Phát lừa đảo và chiếm đoạt tài sản.

Trong khi nhiều cơ quan chức năng đã có quan điểm nhất quán, đưa ra kết luận hết sức khách quan và đúng pháp luật. Ngược lại, cũng có đơn vị lại đưa ra kết luận quá vội vàng, thậm chí là tiếp tay cho CPL đẩy sự việc vào tình thế phức tạp, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp làm ăn chân chính, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...